(Người Chăn Nuôi) – Stress nhiệt là thực tế phổ biến trong chăn nuôi gia cầm, tác động của nó khá phức tạp, có hại, phụ thuộc vào cường độ và thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao. Mùa hè thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến gà dễ bị mất nước, kiệt sức, stress.
Nguyên nhân
Gà không giống như các loài động vật máu nóng khác, chúng không có tuyến mồ hôi để giải phóng nhiệt độ cơ thể, mà thường tỏa nhiệt dư thừa theo các cách khác nhau.
Stress nhiệt được định nghĩa là tình trạng gây ra khi cơ thể động vật đang hiện diện trong môi trường có nhiệt độ quá cao, làm cho vật nuôi không duy trì được thân nhiệt ổn định như mức độ thường có trong điều kiện tối ưu. Tình trạng stress nhiệt nghiêm trọng và/hoặc kéo dài làm cho cơ thể kiệt quệ, đột quỵ và dẫn đến chết.
Stress nhiệt hình thành do nhiều yếu tố môi trường hỗn tạp: Nhiệt độ trong chuồng tăng cao và kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến việc gà bị stress nhiệt. Việc chênh lệch nhiệt độ trong không khí cũng là một yếu tố dẫn đến stress nhiệt. Hoặc nhiệt độ tăng cao, khiến độ ẩm trong không khí giảm, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và hô hấp của gà hay độ chuyển hóa, các hoạt động và cơ chế chuyển hóa nhiệt cũng như điều kiện trang trại đều có thể gây stress nhiệt trên gà.
Triệu chứng
Stress nhiệt xảy ra trên mọi lứa tuổi của gà. Đối với stress nhiệt trên gà sẽ có những biểu hiện như há miệng thở dốc, thở hổn hển, soải cánh, thờ ơ, ủ rũ, mồng và tích nhợt nhạt, mắt luôn nhắm, thích nằm, giảm sản lượng trứng, giảm kích cỡ và trọng lượng trứng, vỏ trứng mỏng, gà khát nước, giảm ăn, sụt cân và cắn mổ nhiều.
Thông thường, tình trạng bị stress nhiệt dẫn đến chết gà xảy ra nhiều ở các đàn gà có khối lượng cỡ 2 kg/con trở lên và số gà chết tập trung vào quãng từ 3 – 4 giờ chiều cho đến đêm, nhưng cũng có thể kéo dài sang ngày hôm sau. Với gà chết nghi do bị stress nhiệt, mổ khám ngay sau khi chết hoặc trước đó sẽ dễ thấy tình trạng sung huyết, xuất huyết nặng ở tim, gan và cơ đùi. Đặc biệt chú ý, việc xuất huyết nhiều ở cơ đùi có thể xem như một chỉ dấu cho tình trạng stress nhiệt ở đàn gà, nhất là khi các kiểm tra bệnh học trước đó hoặc đồng thời không cho thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm nào đáng kể.
Ảnh hưởng
– Tăng tỷ lệ chết: gà chết đột tử;
– Giảm khả năng sinh sản: Gà trống và gà mái (đến 30%);
– Giảm năng suất: Giảm tiêu thụ thức ăn từ 10 – 12% sinh trưởng chậm lên tới 25% (ít cơ và mỡ), giảm sản lượng trứng (8 – 10%), thân thịt kém, khó tiêu; Mất cân bằng axit – bazơ;
– Giảm sức đề kháng. Tăng nguy cơ nhiễm trùng kế phát. Thông thường gà hít thở qua mũi, xoang mũi, có khả năng lọc vi khuẩn và bụi bẩn từ không khí vào hệ thống hô hấp, hạn chế nhiễm khuẩn kế phát. Khi trời nóng, ngột ngạt, gà thường hít thở bằng cách mở miệng do nóng, như vậy khi thở gà đã bỏ qua hệ thống lọc vi khuẩn này và có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp: CCRD, CRD – E.coli…
– Tăng rối loạn chuyển hóa;
– Ảnh hưởng đến năng suất trứng, chất lượng trứng kém, vỏ trứng mỏng, bạc màu.
Biện pháp phòng tránh
Chuồng nuôi luôn thiết kế thông thoáng, mát mẻ mùa hè, tránh được mưa tạt, gió lùa vào mùa đông. Xung quanh trồng cây xanh bóng mát.
Hạn chế tối thiểu sự dao động nhiệt độ trong chuồng nuôi, dùng nhiệt kế và ẩm kế để trong chuồng nhằm theo dõi và điều tiết nhiệt độ. Luôn đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho vật nuôi là 18 – 250C.
Vào mùa hè, nên kết hợp dàn phun mái, quạt trong chuồng, lưới đen che bên ngoài để có hiệu quả tốt nhất. Dàn mát cần bố trí mái che có thể kéo bạt xuống vào ban ngày và buổi tối kéo lên cho gió mát vào.
Những ngày nắng to bật nước phía đầu dàn mát và phun sương trên mái để làm mát cho cả trong và ngoài dãy chuồng. Khi phun sương cần lưu ý đến việc tăng cường thông gió và thoát nước xung quanh chuồng, tránh nâng cao độ ẩm hay làm ướt chất độn chuồng.
Mái nhà thiết kế đạt tiêu chuẩn chuồng trại: Sử dụng tấm cách nhiệt có thể phản xạ 98% nhiệt bức xạ, khi lắp tấm cách nhiệt chống nóng dưới mái sẽ tạo thành hàng rào cản nhiệt giúp cải thiện môi trường trong chuồng gà.
Mật độ vừa phải, gà thịt thả 8 – 10 con/m2, gà giống 4 – 5 con/m2.
Cung cấp thoải mái nước mát và sạch cho gà. Tăng lượng nước cũng như bổ sung máng uống để gà tiếp cận được nguồn nước nhanh và đầy đủ nhất. Bổ sung muối ăn, chất điện giải, B complex giàu Vitamin C vào trong thức ăn, nước uống để giải nhiệt cho gà.
Bổ sung thêm các loại vitamin và chất dinh dưỡng để tránh gà thiếu chất, giảm trọng lượng.
Thay đổi thời gian cho gà ăn: Đối với gà từ sau giai đoạn úm, những ngày nắng nóng buổi sáng nên cho ăn từ 5 giờ sáng đến khoảng 8 giờ sáng là hết cám, buổi chiều cho ăn lúc 17 giờ. Nếu không ăn hết khẩu phần có thể cho ăn đêm (thời gian từ 24 giờ đến 2 giờ sáng rồi tắt điện cho gà nghỉ).
Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng nuôi hoặc sân chơi có mái che mát.
Tránh vận chuyển gia cầm trong thời điểm nắng nóng nhất trong ngày, khi vận chuyển gia cầm mùa nóng nên chú ý bổ sung Vitamin C vào nước uống cho gà.
Để phòng, chống nóng tốt hơn cho gà, người nuôi có thể chủ động tiêm phòng đầy đủ cho gà các bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, Marek… Phun khử trùng xung quanh chuồng trại 2 – 3 lần/tuần.
Nguyễn Hằng