(Người Chăn Nuôi) – Từ 15/4, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đối với 9.832 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, kết quả đã phát hiện 328 cơ sở vi phạm.
Cụ thể, theo xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, đã có hơn 300 cơ sở chăn nuôi gia công cho 4 công ty chưa được cấp thủ tục môi trường theo quy định. Theo đó, ngày 20/9, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã có văn bản gửi đến 4 công ty FDI về việc tạm ngưng hoạt động chăn nuôi gia công bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn CJ Vina Argi – Chi nhánh Đồng Nai; Công ty Cổ phần C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam và Công ty TNHH Sunjin Vina, đồng thời tạm ngưng hoạt động chăn nuôi gia công 328 trại chưa có thủ tục về môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Việc thả đàn chăn nuôi chỉ được tiếp tục sau khi cơ sở bổ sung thực hiện thủ tục môi trường.
Khu vực bãi thải phân heo được bố trí cạnh khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: ST
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cũng yêu cầu các công ty phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các quy định pháp luật về điều kiện môi trường trong chăn nuôi. Trường hợp các trang trại không đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường thì chấm dứt việc nuôi gia công; thực hiện trước ngày 30/9/2023.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã có văn bản đề nghị UBND các huyện và TP Long Khánh kiểm tra, xử lý 328 trại chăn nuôi heo, gà đang có hợp đồng gia công cho 4 công ty trên nhưng chưa có thủ tục về môi trường. Đây là kết quả của 4 tháng tổng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi chấp hành quy định về môi trường theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán, Trảng Bom, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành và TP Long Khánh.
Theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP quy định điều kiện bảo vệ môi trường đối với cơ sở chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi phải có đầy đủ các công trình xử lý chất thải đảm bảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Cụ thể, chất thải chăn nuôi phải được thu gom đảm bảo vệ sinh môi trường và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra ngoài môi trường, sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Trong cơ sở chăn nuôi phải bố trí đủ diện tích đất để xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với khối lượng chất thải phát sinh; phải có khu đất dành riêng cho việc chôn lấp, tiêu hủy vật nuôi chết do dịch bệnh…
Thùy Khánh