Kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia cầm nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Sáng 11/10/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội chợ và Triển lãm Vietstock 2024, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) phối hợp với Tập đoàn Informa Markets tổ chức Hội thảo kiểm soát bệnh trên gia cầm chìa khóa thành công cho người chăn nuôi.

VIPA Vietstock 2024

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Phạm Thúy

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để kiểm soát một số dịch bệnh trên gia cầm, chìa khóa quan trọng để hướng tới ngành chăn nuôi hiệu quả. 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA nhấn mạnh, ngành gia cầm Việt Nam không những góp phần giải quyết sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Nhiều năm qua, ngành gia cầm Việt Nam luôn duy trì sự tăng trưởng cao cả về đầu con, sản lượng, giá trị sản xuất; tiếp cận nhanh và ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại; quy mô chăn nuôi công nghiệp ngày càng được mở rộng, đáp ứng đủ nhu cầu thịt, trứng trong nước.

VIPA Vietstock 2024

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA phát biểu khai mạc. Ảnh: Phạm Thúy

Tuy nhiên, ngành hàng gia cầm lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề dịch bệnh, thậm chí một số bệnh trên gia cầm vẫn chưa kiểm soát được triệt để. Cũng theo Chủ tịch VIPA Nguyễn Thanh Sơn, để giải quyết được vấn đề này cần có cách tiếp cận mang tính hệ thống, từ chăn nuôi, giết mổ, đến lưu thông và tiêu thụ, không những đối với sản phẩm thịt sản xuất trong nước mà cả sản phẩm nhập khẩu và cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và xây dưng cơ sở an toàn dịch bệnh khu vực Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Kim Dũng, Trưởng Phòng Dịch tễ thú y, Chi cục Thú y Vùng 6 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 7 tỉnh, buộc tiêu hủy hơn 12.000 con gia cầm, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo ông Dũng, nguy cơ dịch bệnh này vẫn luôn hiện hữu do các nguyên nhân như tổng đàn gia cầm lớn, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại chiếm đa số, chăn nuôi vẫn chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, virus cúm gia cầm còn lưu hành ở nhiều địa phương với tỉ lệ cao. Ngoài ra, tình trạng buôn bán vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn chiếm phổ biến, tình trạng nhập lậu gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới, thời tiết diễn biến thất thường,… Đây là nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh trên gia cầm.

Nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên diện rộng là hiện hữu nếu các địa phương lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở các địa phương được xem là giải pháp hiệu quả nhất. Hiện nay, cả nước đã xây dựng được 1930 sơ cở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố. 

Ông Nguyễn Thanh Ba, Giám đốc R&D vaccine Công ty TNHH Dược Hannvet cho rằng, để phòng bệnh trên gia cầm hiệu quả, cần xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, giữ vệ sinh sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng, kiểm soát động vật gặm nhấm, côn trùng. Bên cạnh đó, cần chọn mua con giống tại các cơ sở đảm bảo chất lượng, cung cấp đầy đủ nguồn nước thức ăn cho vật nuôi. Đặc biệt, ông Ba khuyến cáo, nên áp dụng quy trình nuôi “cùng vào cùng ra” để thuận tiện cho việc quản lý dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để cải thiện sức khỏe đường ruột cho gia cầm và thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, ông Antoine Bertho, Giám đốc kỹ thuật Addiseo Asia Pacific tại Việt Nam, đã chia sẻ giải pháp hiệu đến từ Addiseo với sản phẩm Alpha Mono Glyceride. Qua nhiều nghiên cứu và triển khai thực tế tại các mô hình chăn nuôi, sản phẩm được đánh giá an toàn, hứa hẹn có thể thay thế kháng sinh trong chăn nuôi, góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc đang diễn ra ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số báo cáo liên quan đến phương pháp chẩn đoán phân biệt ART và ORT thông qua một số đặc điểm dịch tễ lâm sàng và bệnh tích, cập nhật mới nhất về bệnh Gumboro trên gia cầm và cách kiểm soạt bệnh này hiệu quả, chìa khóa năng suất trong chăn nuôi hiện đại thông qua cách tiếp cận an toàn sinh học…

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *