Ngày 8-4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) – Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công ty TNHH Dược thú y Tiến Thành Phát tổ chức tập huấn với chủ đề Kiểm soát hiệu quả bệnh gia cầm bằng vắc xin công nghệ.
Theo Chi cục CN&TY, tỉnh Tiền Giang có tổng đàn gia cầm trên 18 triệu con, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với số lượng, chất lượng đàn gia cầm của tỉnh cũng chiếm ưu thế, đặc biệt là tạo vùng nguyên liệu mang tính hàng hóa như: Gà tre, gà ác, chim cút… Qua đó, tỉnh đã cung ứng số lượng lớn sản phẩm từ gà, chim cút cho thị trường trong và ngoài nước.
Quang cảnh buổi tập huấn.
Theo quy luật, tổng đàn gia cầm càng lớn thì nhu cầu về vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia cầm càng nhiều. Do vậy, nếu không kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia cầm là rất cao. Trong đó, trên gà có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và phổ biển như: Cúm, Newcastle, Gumboro, Marek, ORT, CRD…
Cũng theo Chi cục CN&TY, hiện nay, thị trường thuốc thú y có rất nhiều loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gà được phép lưu hành. Do vậy, có nhiều khuyến cáo về loại vắc xin và quy trình chủng ngừa của nhà sản xuất, chủ cửa hàng thuốc thú y, thú y cơ sở đã làm cho người chăn nuôi bất an, lo lắng. Bởi có nhiều đàn gà đã được chủng ngừa, nhưng vẫn xảy ra bệnh.
Tuy nhiên, cho đến nay, vắc xin vẫn đang là lá chắn quan trọng bảo vệ vật nuôi khỏi các bệnh do vi rút gây ra. Để bảo vệ tốt sức khỏe đàn gia cầm cần phải có những giải pháp hiệu quả trong kiểm soát bệnh, đặc biệt là khâu sử dụng vắc xin phòng bệnh phù hợp và hiệu quả.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục CN&TY cho biết, tại Tiền Giang, được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở Nông nghiệp và Môi trường với nhiều chủ trương, chính sách theo định hướng của Trung ương; sự phối hợp hiệu quả của địa phương và hợp tác của người chăn nuôi nên bệnh cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát, khống chế và đang có xu hướng giảm dần theo thời gian.
Bệnh Newcastle là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gà. Newcastle thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia cầm. Theo Cục Thú y (nay là Cục CN&TY), hằng năm, Việt Nam có trung bình 1.200 ổ dịch Newcastle được báo cáo; trong đó, Tiền Giang có 9,33%/tổng ổ dịch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bô Nông nghiệp và Môi trường), Newcastle thuộc danh mục bệnh phải công bố dịch và phải áp dụng phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin. Theo danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, có trên 100 loại vắc xin Newcastle.
Tại Tiền Giang, một số đàn gà đã sử dụng loại vắc xin không phù hợp nên sau khi tiêm chủng, đàn gà vẫn bị bệnh Newcastle. Do đó, vấn đề này cần được quan tâm, nghiên cứu. Trong đó, có chăn nuôi an toàn sinh học và vắc xin công nghệ.
Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh Newcastle. Các loại vắc xin truyền thống có thể bảo vệ gà giảm bệnh lâm sàng, giảm tỷ lệ chết, giảm lượng vi rút Newcastle bài thải nhưng vẫn không thể ngăn ngừa sự nhiễm trùng và phát tán vi rút.
Do vậy, đàn gà vẫn có thể nhiễm vi rút Newcastle sau chủng ngừa. Nghiên cứu của Mohamed và cộng sự (năm 2024) về vắc xin phòng Newcastle trên gà đã xác định, tầm quan trọng của việc sử dụng vắc xin công nghệ với chủng vắc xin tương đồng về mặt di truyền chủng thực địa sẽ bảo vệ tốt cho cả gia cầm và môi trường.
Tóm lại, phòng bệnh Newcastle cho gia cầm bằng vắc xin công nghệ, có chủng vi rút tương đồng về mặt di truyền với chủng lưu hành tại địa phương bước đầu đã giải quyết được các hạn chế của vắc xin truyền thống.
Tại buổi tập huấn, ông Đoàn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Dược thú y Tiến Thành Phát đã chia sẻ những thông tin liên quan đến việc sử dụng và hiệu quả của vắc xin công nghệ trong phòng, chống bệnh gia cầm. Các ý kiến, thắc mắc của các hộ chăn nuôi cũng được ngành chuyên môn, phía doanh nghiệp giải đáp cụ thể…
Anh Thư
Nguồn: Báo Ấp Bắc