Kiểm soát chặt chẽ lô hàng sản phẩm động vật nhập khẩu vào Việt Nam

(Người Chăn Nuôi) – Mới đây, Cục Thú y đã có Công văn bản số 1339/TY-KD gửi các doanh nghiệp nhập khẩu, yêu cầu rà soát lại các lô hàng sản phẩm động vật được nhập khẩu từ các nước làm thực phẩm nhiễm Salmonella. 

Thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về kiểm dịch động vật, trong quá trình làm việc, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu của Việt Nam đã phát hiện nhiều lô hàng sản phẩm động vật được nhập khẩu từ các nước làm thực phẩm nhiễm Salmonella. Theo quy định hiện hành của Việt Nam, lô hàng nào nếu nhiễm Salmonella sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời lô hàng đó cũng sẽ bị buộc phải tái xuất hoặc tiêu hủy. Cục Thú y đã có văn bản gửi Đại sứ quán và cơ quan thẩm quyền của các nước cảnh báo những lô hàng nhiễm Salmonella nêu trên.

Công văn bản số 1339/TY-KD

Cục Thú y yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm động vật nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Thùy Khánh

Theo Cục Thú y, trong giai đoạn trước tháng 10/2022, tỷ lệ lô hàng sản phẩm động vật nhập khẩu từ các nước làm thực phẩm nhiễm Salmonella rất thấp. Tuy nhiên, theo số liệu kiểm dịch các lô hàng này từ ngày 16/5/2024 đến nay có tỷ lệ nhiễm Salmonella rất cao. Điều này cho thấy, việc kiểm soát Salmonella trong chuỗi sản xuất sản phẩm động vật tại các nước cần phải được rà soát, đánh giá lại nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Do vậy, Cục Thú y đề nghị các doanh nghiệp trao đổi với đối tác cần có biện pháp cấp bách nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với sản phẩm động vật xuất khẩu sang Việt Nam; rà soát lại toàn bộ các cơ sở, quy trình sản xuất, nguồn gốc hàng hóa và biện pháp kiểm soát nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cần rà soát, lựa chọn và chỉ nhập khẩu sản phẩm động vật của đối tác có chuỗi sản xuất bảo đảm đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. 

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Thú y đã ban hành trên 130 văn bản đề nghị Đại sứ quán và cơ quan thẩm quyền của các nước cung cấp, bổ sung thông tin một số nội dung về kiểm dịch bột đạm động vật làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, kiểm dịch thịt và các sản phẩm từ thịt động vật trên cạn, thủy sản… Cùng với đó, Cục cũng chỉ đạo các đơn vị tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm virus Newcastle, lở mồm long móng, Salmonella, E.coli đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam. 

Đồng thời, Cục Thú y đã làm việc với Tham tán thương mại của 6 nước để trao đổi về quy định tại Thông tư số 04/2024/TT-BNNPTNT và xét nghiệm chỉ tiêu Salmonella, E.coli. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phân tích, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh động vật, vệ sinh thú y trên cơ sở thông tin do các cơ quan có thẩm quyền về thú y của các nước cung cấp, nhằm phục vụ việc kiểm soát nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Cục cũng đang xây dựng kế hoạch và tham gia các đoàn công tác kiểm tra thực tế chuỗi chăn nuôi động vật lấy thịt, sản xuất thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm của các nước để hoàn tất quá trình phân tích nguy cơ nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam. 

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2024, đã có 38 lượt công văn của Cục Thú y trả lời 23 nước về đánh giá nguy cơ nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật bao gồm: động vật sống (gà/trứng giống, tinh heo); sản phẩm động vật (thịt loài nhai lại, heo thịt, thịt gia cầm, thịt linh dương); sản phẩm thịt động vật; trứng và sản phẩm trứng; mật ong. Đến nay, Cục Thú y đã chấp thuận cho 29 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật vào Việt Nam. 

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *