Khoa học công nghệ: Nền tảng thúc đẩy chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất đã tạo ra giá trị mới cho sản phẩm chăn nuôi, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Đóng góp lớn, trở ngại cũng nhiều

Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy, giai đoạn 2018 – 2022, ngành chăn nuôi duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 4,5 – 5%/năm, đóng góp 22,5 – 26,7% trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 6,5%/năm, sản lượng sữa 4,7%/năm và sản lượng trứng 11,9%/năm. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, chăn nuôi đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, cung cấp đủ cho tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Có được thành công như vậy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ.

khoa học công nghệ trong chăn nuôi

Khoa học công nghệ góp công rất lớn trong tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Ảnh: Lê Bình

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: “Từ năm 2009 đến 2022, ngành chăn nuôi đã có 136 tiến bộ kỹ thuật được công nhận. Trong đó, có 85 tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi, 6 tiến bộ kỹ thuật về thức ăn chăn nuôi, 20 tiến bộ kỹ thuật áp dụng cho các đối tượng vật nuôi… Những thành công trong nghiên cứu sản xuất và tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm cũng làm thay đổi bộ mặt ngành khi khống chế, giảm thiểu các ổ dịch.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên trình độ khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành chăn nuôi chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; công tác nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển công nghiệp chọn tạo giống; dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến, bảo quản các sản phẩm chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại vẫn nhiều hạn chế. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đặc biệt là giống vi sinh vật, giống virus dùng trong sản xuất vaccine còn khó khăn… Mặc dù một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư cơ sở vật chất, sản xuất giống quy mô lớn nhưng chưa nhiều, vẫn rất ít cơ sở có quy trình chọn giống đồng bộ. 

Cần những đột phá mới

Để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ngành chăn nuôi thì việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, cần có những bước đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học để chọn tạo ra những dòng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng, sản xuất công nghiệp, đồng bộ với quy mô lớn và độ đồng đều cao, tăng cường công tác quản lý và sản xuất giống. Khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao, có lợi thế gắn với du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong chăn nuôi gia cầm, heo, bò; sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn chăn nuôi, vaccine, bộ kít mới sử dụng trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh. Hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Áp dụng thêm các công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi và chế phẩm sinh học từ nguồn chất thải này. Đẩy mạnh công nghiệp chiết xuất, công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm vi sinh, thảo dược thay thế kháng sinh và phụ gia trong thức ăn chăn nuôi…

Đặc biệt là cần có chính sách khuyến khích các địa phương sẵn sàng phối hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay hỗ trợ lựa chọn các đơn vị thực hiện các mô hình thí điểm ban đầu để người dân dễ dàng tiếp cận.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Ngành chăn nuôi vẫn duy trì tăng trưởng suốt 10 năm qua, đóng góp gần 27% trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó, khoa học công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển đó của ngành chăn nuôi”.

Nguyễn An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *