(Người Chăn Nuôi) – Khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ là động lực mà còn là nền tảng để ngành chăn nuôi Việt Nam chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn thực phẩm trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đó là những chia sẻ của TS. Bùi Huy Doanh, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
PV: Ông có thể chia sẻ về vai trò của KHCN trong sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay, thưa ông?
TS. Bùi Huy Doanh: KHCN đóng vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi, là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.
Điều đó thể hiện qua việc áp dụng tiến bộ khoa học trong chọn lọc giống vật nuôi có năng suất cao, ứng dụng kỹ thuật cấy chuyển phôi, đánh giá di truyền giúp nâng cao chất lượng vật nuôi và rút ngắn thời gian cải tiến giống. Sử dụng thức ăn cân đối theo nhu cầu vật nuôi góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Các công nghệ chẩn đoán nhanh, vaccine thế hệ mới và mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Hay việc ứng dụng IoT, cảm biến và giám sát tự động, phần mềm quản lý chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc góp phần làm minh bạch chuỗi giá trị nâng cao năng lực quản lý và đáp ứng nhu cầu thị trường và thương mại hóa quốc tế.
Ngoài ra, KHCN còn giúp chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, xử lý chất thải, giúp tối ưu hiệu quả chăn nuôi, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
PV: Ngành chăn nuôi Việt Nam đã ứng dụng chuyển đổi số như thế nào để nâng cao hiệu quả sản xuất, thưa ông?
TS Bùi Huy Doanh: Chuyển đổi số đang góp phần làm thay đổi tư duy chăn nuôi, giúp chăn nuôi tăng năng suất, giảm rủi ro, tối ưu hóa chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hiện nay nhiều trang trại chăn nuôi đã sử dụng các hệ thống giám sát thông minh, các cảm biến có khả năng tự động điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ. Các phần mềm quản lý trang trại giúp người chăn nuôi tối đa hóa quy trình sản xuất từ khâu cho ăn, vệ sinh chuồng trại, giám sát sức khỏe, quản lý giống một cách có hiệu quả. Cùng với đó, số hóa chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc cũng như thương mại điện tử đang góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị chăn nuôi đặc biệt là minh bạch hóa sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn.
PV: Ông có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật về nghiên cứu KHCN trong chăn nuôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua
TS. Bùi Huy Doanh: Ngoài việc tạo ra các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, chống lại dịch bệnh bằng các phương pháp hiện đại như sử dụng marker, genome selection… Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các chuyên gia đầu ngành đang tiến hành các nghiên cứu về lĩnh vực chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Học viện được xem là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu vaccine Dịch tả heo châu Phi cũng như các bệnh mới nổi, tái nổi.
Đồng thời, Học viện đang nghiên cứu theo hướng phát triển các sản phẩm chăn nuôi an toàn, thân thiện bền vững với môi trường như tạo các sản phẩm giàu omega 3, sử dụng chất chiết thực vật thay thế kháng sinh, sử dụng thực khuẩn thể, chọn lọc dòng heo có gen kháng lại virus ASF, bảo tồn và phát triển các nguồn gen vật nuôi bản địa, công nghệ cấy truyền phôi, chỉnh sửa gen. Nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả phúc lợi động vật trong chăn nuôi.
Hiện nay, Khoa Chăn nuôi đang cùng các chuyên gia Hàn Quốc trong khuôn khổ dự án Koica nghiên cứu và phát triển đàn bò H’Mông có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế như bò Wagyu của Nhật Bản, bò Hanwoo của Hàn Quốc.
Hệ thống cho heo ăn tự động hóa công nghệ cao. Ảnh: Vinafeed
PV: Dù có nhiều thành tựu, nhưng chắc chắn vẫn còn những thách thức trong việc ứng dụng KHCN. Ông có thể chia sẻ thêm về các điểm nghẽn và giải pháp để tháo gỡ?
TS. Bùi Huy Doanh: Ứng dụng KHCN trong chăn nuôi là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có một số điểm nghẽn trong quá trình thực hiện. Đó là những khó khăn trong việc chuyển giao nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các công nghệ trong chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng của ngành chăn nuôi còn một số hạn chế dẫn đến giảm hiệu quả của chuỗi liên kết và giám sát. Chi phí cho việc đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn cao dẫn đến khó tiếp cận cho nhiều hộ chăn nuôi. Nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế nên chưa được đào tạo bài bản, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, cần tăng cường cơ chế kết nối giữa nhà khoa học – doanh nghiệp – người chăn nuôi – người tiêu dùng để giúp đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cùng các nghị quyết khác là cơ sở định hướng để các đơn vị nghiên cứu có khả năng bứt phá tốt hơn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghiên cứu hình thành các spin off, thương mại hóa sản phẩm; phát triển công nghệ số và chuyển đổi số trong chăn nuôi.
Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong việc tiếp cận vốn để chuyển đổi số, ứng dụng KHCN. Các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực chăn nuôi cần đổi mới chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng, tiếp cận các kiến thức mới và ứng dụng công nghệ cao trong đào tạo nguồn nhân lực.
PV: Định hướng nghiên cứu KHCN trong thời tới của Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là gì, thưa ông?
TS. Bùi Huy Doanh: Hiện nay Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tiếp cận các hướng nghiên cứu mới trong phát triển nguồn gen vật nuôi cũng như chọn lọc các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như đảm bảo phúc lợi động vật. Tăng cường nghiên cứu cải tiến và bảo tồn các nguồn gen vật nuôi bản địa, sử dụng công nghệ genome selection trong chọn lọc vật nuôi. Nghiên cứu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học gắn với nông nghiệp tuần hoàn, đảm bảo phúc lợi động vật.
Đồng thời, các nhóm nghiên cứu của khoa cũng đang chú trọng nghiên cứu trong việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, nghiên cứu khẩu phần ăn với hàm lượng protein thấp, sử dụng thảo dược, probiotic, enzyme, công nghệ vi sinh thay thế kháng sinh.
Bên cạnh đó, Khoa Chăn nuôi cũng đang đẩy mạnh các dự án nghiên cứu trao đổi với Bỉ, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Tiến
(Thực hiện)