Trước tình hình các ổ dịch tả heo châu Phi (ASF) bắt đầu xuất hiện tại một số địa phương, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa dịch lan rộng, uy hiếp đến chăn nuôi an toàn.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Khoảng 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số ổ dịch ASF nhỏ, dai dẳng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan rộng. Ngày 12-6, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm con heo chết, không rõ nguồn gốc được tập kết tại một địa điểm trên địa bàn xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm. Kết quả xét nghiệm cho thấy số heo này dương tính với ASF.
Chốt kiểm dịch động vật ở thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng.
Tại xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), ông Nguyễn Tiến Luật – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ ngày 29-6 đến 23-7, ASF đã xảy ra tại 7 hộ nuôi heo ở 2 thôn Phước Lợi và Phước Lộc. Tổng số lượng heo chết, bệnh buộc tiêu hủy là 167 con với khối lượng hơn 7,6 tấn. Trước đó, dịch ASF cũng xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi heo ở thôn Phước Lợi vào ngày 3-6, buộc phải tiêu hủy hàng chục con heo do dương tính với ASF. Trên địa bàn xã hiện có 72 hộ chăn nuôi heo, tổng đàn hơn 3.500 con, hầu hết đều ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Người nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn thừa, thu gom từ các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP. Nha Trang về phục vụ nuôi heo. Việc sử dụng nguồn thức ăn chưa đảm bảo, hình thức nuôi nhỏ lẻ khiến khả năng nhiễm bệnh cho đàn vật nuôi tăng cao.
Không để dịch bùng phát
Trước diễn biến phức tạp của ASF, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, người chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, tập trung vào các giải pháp kịp thời phát hiện, nhanh chóng xử lý, khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Theo ông Huỳnh Kim Khánh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian qua, chi cục tập trung phối hợp với các địa phương thống kê tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên đàn heo; tăng cường các biện pháp kiểm dịch động vật, kiểm soát chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật. Cùng với các giải pháp nhằm đảm bảo chăn nuôi an toàn, trước nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh, lực lượng thú y tại các địa phương đã tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật; nhanh chóng khoanh vùng, xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh, không để lây lan diện rộng.
Tại Nha Trang, ngày 23-7, UBND TP. Nha Trang đã ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh ASF tại xã Phước Đồng. Theo đó, đàn heo thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên (không bao gồm heo nái và heo hậu bị) của các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn xã Phước Đồng sẽ được hỗ trợ tiêm phòng dịch ASF trong tháng 7 và tháng 8. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng tổ chức tập huấn cho toàn bộ các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã về các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh; quy trình phòng bệnh ASF cho đàn heo.
Ngày 15-7, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh ASF. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn heo và số lượng đàn heo thịt đã được tiêm vắc xin phòng bệnh ASF.
Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh ASF, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra bùng phát dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
Hồng Đăng
Nguồn: Báo Khánh Hòa