Việc phòng bệnh, giúp vật nuôi tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn; hạn chế, xử lý mùi hôi thối trước khi thải ra môi trường… luôn khiến người nông dân trăn trở, tìm mọi cách tháo gỡ. Làm tốt những việc này sẽ góp phần không nhỏ vào thành công của mô hình chăn nuôi, giúp bà con thu được lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm (nhất là heo và vịt) quy mô lớn khó tránh khỏi chất thải gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cùng với việc tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu thực tế, mới đây, một số nông dân phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) thử nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học, cùng nguyên liệu từ thiên nhiên giúp đàn vật nuôi tăng cường sức đề kháng, giảm mùi hôi từ chất thải chăn nuôi. Hiệu quả bước đầu mang lại rất tích cực, có thể nhân rộng đến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn phường.
Đó là phương pháp dùng chế phẩm sinh học EM gốc, ủ thêm tỏi, rượu, giấm, đường với định lượng phù hợp, được gọi chung là “kháng sinh thảo dược”. Qua thời gian áp dụng thực tế, mô hình khắc phục hạn chế của chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, hạn chế khí thải hôi thối của chất thải và giảm tối đa chi phí điều trị bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa trên vật nuôi.
Anh Nguyễn Phúc Minh (cán bộ khuyến nông phường Vĩnh Nguơn) là người tìm hiểu và thử nghiệm cách làm này. Sau đó, anh Minh chuyển giao kỹ thuật đến Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế phường Vĩnh Nguơn, hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ ứng dụng vào mô hình chăn nuôi của mình.
Chị Trần Thị Mỹ Dung vừa là thủ lĩnh thanh niên ở địa phương, vừa làm kinh tế tăng thu nhập cho gia đình. Trẻ tuổi, ham học hỏi, nên hầu như kỹ thuật mới nào chị Dung cũng nghiên cứu và ứng dụng mô hình hiệu quả. Trước đây, ở mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, chị Dung nằm trong nhóm đầu tiên triển khai trên địa bàn phường. Qua vài vụ nuôi khá thành công và hiệu quả, phát sinh tình trạng vật nuôi bị ảnh hưởng bởi lớp bụi của đệm lót, dễ mắc bệnh đường hô hấp, tiêu hóa. Bởi vậy, khi được chuyển giao “kháng sinh thảo dược”, chị Dung không ngần ngại áp dụng thử trên 100 con vịt xiêm lai Pháp của gia đình.
“Qua 2 đợt thả nuôi, tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Vịt muốn xuất chuồng phải mọc đủ lông, đạt độ lớn, chất lượng thịt săn chắc. Quá trình này mất 3 tháng. Tuy nhiên, khi sử dụng kháng sinh thảo dược, chỉ sau hơn 2 tháng nuôi, vịt đã nặng từ 3 – 4 kg. Khi xuất bán, khách hàng đánh giá cao chất lượng thịt” – chị Dung phấn khởi chia sẻ.
Có kỹ thuật chăn nuôi mới, chị Dung chia sẻ với các thành viên của Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế phường Vĩnh Nguơn. Sau khi được tiếp cận thông tin, anh Nguyễn Bá Vinh (khóm Vĩnh Chánh 2) đã mạnh dạn ứng dụng trên mô hình chăn nuôi heo của mình.
Trước đây, anh Vinh nuôi heo theo cách truyền thống, chi phí về thức ăn, chữa bệnh tiêu tốn khá nhiều. Ngoài ra, chất thải của vật nuôi ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình cũng như hàng xóm. “Mỗi đợt, tôi nuôi khoảng 10 con heo, nếu không xử lý tốt thì chuồng trại dễ có mùi hôi. Tuy nhiên, qua 2 đợt nuôi heo, sử dụng sản phẩm “kháng sinh thảo dược”, rõ ràng có sự thay đổi. Heo hấp thụ được hết dưỡng chất trong thức ăn nên mau lớn, không bị mắc các bệnh lặt vặt, hạn chế chi phí trong chăn nuôi. Quan trọng hơn, mùi hôi từ chất thải của heo giảm rõ rệt. Nếu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hầu như không còn mùi hôi” – anh Vinh cho biết.
Sản phẩm “kháng sinh thảo dược” rất dễ sử dụng, chi phí rẻ, sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người chăn nuôi. Nhờ vậy, giúp nông dân dễ dàng xây dựng mô hình chăn nuôi hướng đến tiêu chuẩn an toàn sinh học. Nếu tính bình quân trên đàn heo 10 con của anh Vinh tốn thêm khoảng 5.000 đồng/ngày. Dung dịch được trộn trực tiếp vào nước uống, thức ăn của đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian chăn nuôi và chất lượng thịt ngon hơn so với nuôi theo cách truyền thống.
Ánh Nguyên
Nguồn: Báo An Giang