(Người Chăn Nuôi) – Hiện nay, nhiều sản phẩm chăn nuôi của nước ta đã xuất khẩu thành công, giá trị thu về tăng đáng kể, tuy nhiên con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của ngành. Để nâng cao giá trị xuất khẩu, ngành chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Xuất khẩu có nhiều khởi sắc
Năm 2023, ngành chăn nuôi đón nhận nhiều tin vui khi tổ yến, thịt gia cầm, trứng được xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường mới. Cụ thể, ngày 16/11/2023, sau 5 năm đàm phán, lô sản phẩm tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn của Việt Nam đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này mở ra cơ hội để yến sào Việt Nam bước vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân.
Ngày 16/11/2023, tổ yến Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: ST.
Theo đại diện Cục Thú y, tính đến ngày 8/11/2023, có 45 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của phía Trung Quốc tại Nghị định thư. Trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.
Không chỉ sản phẩm tổ yến, chăn nuôi gia cầm Việt Nam năm nay cũng đón nhận thêm một thị trường mới là Mông Cổ. Theo đó, sau 7 năm đàm phán tích cực, ngày 2/11/2023, Tổng cục Thú y Mông Cổ chính thức cho phép thịt gia cầm, sản phẩm thịt gia cầm, trứng và sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam xuất khẩu vào nước này. Như vậy, đến nay, thịt gà chế biến của Việt Nam đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hồng Kông, các nước Liên minh kinh tế Á – Âu, Mông Cổ.
Nỗ lực vượt “rào cản”
Trong bối cảnh thực hiện Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương các nước, khối, khu vực trên thế giới nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cũng dần được mở rộng. Nước ta đã có nhiều chương trình hợp tác quốc tế về kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm và vệ sinh an toàn thực phẩm; đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giết mổ, chế biến xuất khẩu… Tuy nhiên, chăn nuôi trong nước cũng phải cạnh tranh về giá, đa dạng sản phẩm trước các mặt hàng xuất vào thị trường Việt Nam.
Khu chế xuất thịt gà xuất khẩu của CPV Food sang Nhật Bản. Ảnh: ST.
Hiện nay, các vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, đây là rào cản lớn khiến nhiều sản phẩm thịt của nước ta chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay, cả nước mới có 2.458 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh tại 57 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh; trong đó, có 1 vùng cấp tỉnh, 38 vùng cấp huyện, 228 vùng cấp xã và gần 2.200 cơ sở. Phân loại theo loài có 1.106 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm; 1.335 cơ sở, vùng trên gia súc.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa, tập trung, hợp tác, hỗ trợ để tổ chức xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó dịch bệnh.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngày 25/7/2023, Kế hoạch quốc gia xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2023 – 2030 chính thức được phê duyệt. Trong đó, Chính phủ giao cho ngành chăn nuôi đến năm 2030 phải xây dựng được ít nhất 8 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú Thế giới…
Cùng đó, để xây dựng ngành chăn nuôi bền vững, hướng tới xuất khẩu, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết trong năm 2024, Cục Chăn nuôi tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, quyết tâm thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới, tiến trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực; nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Cục Chăn nuôi sẽ khẩn trương triển khai các giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi gia súc ăn cỏ nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng, sữa) cho tiêu dùng trong nước; đồng thời tập trung nguồn lực thiết yếu để xây dựng các điều kiện tiếp cận thị trường, tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi tiềm năng.
Cục Thú y cũng đã và đang tích cực đàm phán thú y để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Đến nay, Cục Thú ý đã hỗ trợ thành công cho 11 nhà máy của 7 doanh nghiệp sữa đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc; 1 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Ấn Độ; Tiếp tục hỗ trợ 2 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sữa sang Trung Quốc và 2 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sữa đi Indonesia, Malaysia. Ngoài ra, Cục đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh hỗ trợ 1 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký xuất khẩu bột cá và dầu cá sang Trung Quốc.
Thùy Khánh