Với mục tiêu tăng dần số hộ chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, thời gian qua, huyện Thanh Bình triển khai nhiều giải pháp trong phát triển ngành hàng vịt theo hướng bền vững. Đồng thời định hướng hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi vịt và các mô hình chăn nuôi vịt kiểu mẫu; xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối sản xuất – tiêu thụ giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp theo hướng bền vững.
Theo UBND huyện Thanh Bình, trong năm 2023, địa phương phấn đấu nâng tổng đàn vịt đạt 840.000 con, tăng 40.000 con so với năm 2022; sản lượng vịt thịt xuất chuồng đạt 14 tấn; sản lượng trứng vịt đạt 750.000 trứng; tỷ lệ nuôi theo phương thức tiên tiến đạt 7%…
Để thực hiện hiệu quả, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Thanh Bình triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng vịt. Định hướng, khuyến khích phát triển vùng chăn nuôi vịt tập trung tại các xã An Phong, Phú Lợi và một số vùng lân cận tùy theo tiềm năng, thế mạnh thực tế của địa phương; xây dựng quy mô, số lượng thành viên tổ hợp tác chăn nuôi vịt tại các địa phương; kêu gọi định hướng liên kết giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người chăn nuôi trong xây dựng các cơ sở chăn nuôi tiêu biểu, hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, mô hình chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát dịch bệnh thông qua việc tổ chức tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định; hướng dẫn, hỗ trợ mỗi năm xây dựng các mô hình nuôi vịt tuần hoàn; khuyến khích phát triển mô hình gắn với du lịch sinh thái; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm sản xuất các sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh, an toàn.
Huyện khuyến khích các dự án khởi nghiệp phát triển, sơ chế, chế biến thịt, trứng vịt để tăng giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm; tạo điều kiện và triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án khởi nghiệp tăng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm như: chế biến thức ăn nhanh từ vịt và phát triển các sản phẩm OCOP từ ngành hàng vịt…
Nhật Nam
Nguồn: Báo Đồng Tháp