Nhằm khống chế, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, huyện Cư Kuin đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Cư Kuin đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và tác động trực tiếp đến môi trường, đời sống của người dân.
Dù có kinh nghiệm chăn nuôi lợn nhiều năm nhưng gia đình ông Phạm Văn Bình (thôn Giang Sơn, xã Hòa Hiệp) vẫn không tránh được thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại.
Theo ông Bình, trước khi tái đàn, gia đình ông đã chủ động mua vôi bột khử trùng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Song đến tháng 11/2023, ông phát hiện đàn lợn có triệu chứng biếng ăn, nóng sốt sau đó tím tái rồi chết dần. Chính quyền địa phương, cán bộ thú y đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và thông báo đàn lợn đã bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy 91 con với tổng trọng lượng 3.972 kg.
“Chi phí nuôi lợn tăng khá cao, cả gia đình tôi phải vay mượn để duy trì đàn. Chưa kịp bù lỗ vì giá lợn lên xuống thất thường, nay cả đàn dính dịch phải tiêu hủy, bao nhiêu vốn liếng của gia đình coi như mất sạch”, ông Bình ngậm ngùi.
Đã từng phải tiêu hủy 10 con lợn nái, 3 con lợn thịt do dịch tả lợn châu Phi, bà Trương Thị Nguyên (buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk) thấu hiểu hơn ai hết thiệt hại do dịch bệnh này gây ra. Bà Nguyên cho biết, ban đầu đàn lợn của gia đình xuất hiện 1 – 2 con bỏ ăn, sốt cao, nghĩ lợn ốm thông thường nên bà đã mua thuốc về tự điều trị. Tuy nhiên, bệnh không khỏi mà ngày càng nặng thêm.
Ngay sau khi cán bộ thú y đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và thông báo lợn của gia đình bị dịch tả lợn châu Phi, bà Nguyên đã dùng vôi bột rắc toàn bộ khu vực chuồng nuôi, phun khử khuẩn quanh diện tích chăn nuôi 1 lần/ngày. “Sau thời gian tiêu độc khử trùng, đợi tình hình ổn định, gia đình tôi mới dám tái đàn trở lại. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra là bài học kinh nghiệm đối với gia đình trong việc cần thực hiện nghiêm các kỹ thuật chăn nuôi, khuyến cáo của cơ quan chức năng để đàn lợn có sức khỏe tốt”, bà Nguyên chia sẻ.
Quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp
Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ ngày 21/8/2023, dịch bệnh phát sinh trên đàn lợn của 14 hộ chăn nuôi ở 6 thôn, buôn thuộc các xã Ea Bhốk, Ea Hu, Ea Ktur, Hòa Hiệp. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 205 con lợn, trong đó có 23 con lợn nái và 182 con lợn thịt, trọng lượng tiêu hủy là 11.448 kg.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện Cư Kuin đã quyết định công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện để triển khai các biện pháp phòng, tránh, không để dịch lây lan trên diện rộng. Để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương cấp xã thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng yêu cầu các địa phương và các hộ chăn nuôi kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp mua bán, vận chuyển lợn mắc bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Các đơn vị và địa phương liên quan tiếp tục giám sát các hộ chăn nuôi, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm tại những hộ xuất hiện lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh; tổng hợp, báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống trên địa bàn huyện; tăng cường kiểm dịch trong khâu lưu thông, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc theo quy định…
Ông Lê Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin cho biết, hiện tổng đàn lợn của huyện có gần 75.000 con. Để bảo vệ an toàn cho đàn lợn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, trạm đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế thấp nhất vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ nghiêm các quy định về chăn nuôi, thường xuyên dọn dẹp chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh.
Thúy Nga
Nguồn: Báo Đắk Lắk