Đến thăm trang trại của gia đình bà Lê Thị Thúy, xã Đông Xá, ai cũng tấm tắc khen đàn gà Mía đẹp, đều con, chất lượng. Đây là 1 trong 3 hộ chăn nuôi được hỗ trợ gà giống để nuôi thí điểm. Bà Thúy chia sẻ: Gia đình tôi được hỗ trợ 1.000 con gà Mía lai giống, một phần thức ăn và thuốc phòng dịch, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Qua một lứa, tôi thấy gà Mía dễ nuôi, tăng trọng, sức đề kháng tốt, thịt ngon, giá bán cao, dễ bán, hiệu quả kinh tế cao hơn một số giống gà khác đã nuôi. Với giá bán 90.000 đồng/kg, tổng đàn của gia đình sau khi xuất bán trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Lứa tới gia đình tôi vẫn nuôi giống gà Mía lai này dù được hay không được hỗ trợ giống.
Tham gia mô hình, bà Lê Thị Thúy, xã Đông Xá thu lãi 100 triệu đồng sau 4 tháng nuôi 1.000 con gà Mía lai.
Ông Lã Đắc Tâm, xã Đông Xá cũng được hỗ trợ 1.000 con gà Mía lai để nuôi. Ông Tâm cho biết: Tôi chăn nuôi đã 20 năm rồi nhưng giống tự mua về tỷ lệ chết cao, còn gà Mía lai tỷ lệ sống rất cao, tới 95%. Tôi cho ăn, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đúng theo tập huấn. Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng hạt kết hợp với nguyên liệu sẵn có như thóc, ngô, đậu tương, rau… Dụng cụ chăn nuôi được sát trùng hàng ngày, dùng vôi bột, hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu chăn nuôi 1 lần/tuần và tiêm phòng đúng lịch cho đàn gà. Sau 4 tháng nuôi gà có trọng lượng bình quân 2,5 – 3kg/con. Cùng với nuôi gà Mía lai, tại trang trại tôi còn đang nuôi 300 con gà ri lai. So với gà ri và một số giống gà khác thì gà Mía lai mã đẹp, thịt ngon, giá bán cao hơn. Điều quan trọng là sự hỗ trợ của huyện tạo động lực cho gia đình tôi cũng như các hộ khác mạnh dạn nuôi gia cầm với số lượng lớn. Tôi sẽ tiếp tục tái đàn gà Mía lai vì có thị trường tiêu thụ tốt.
Với gia đình ông Bùi Phó Thùng, xã Đông La, thu nhập chính từ phát triển chăn nuôi, chủ lực là lợn, gà. Thời gian qua dịch xảy ra lợn bị chết, vì vậy ông không nuôi lợn nữa, muốn tận dụng chuồng để nuôi gà, ngan. Ông đang loay hoay chưa biết chọn giống gà gì để nuôi cho hiệu quả thì được hỗ trợ giống gà Mía lai. Ông Thùng chia sẻ: Tôi cao tuổi rồi, phát triển chăn nuôi tại gia đình là thích hợp nhất để nâng cao thu nhập. Cùng với 500 con gà Mía lai giống được hỗ trợ, tôi mua thêm 150 con ngan về nuôi. Ngoài kỹ thuật cán bộ hướng dẫn, tôi dùng kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm của mình áp dụng vào chăm sóc đàn gà Mía lai như dùng đệm lót chuồng để giữ ấm chân cho gà phòng bệnh tiêu chảy và một số bệnh khác, chế độ ăn theo từng giai đoạn. Nước uống sạch bổ sung điện giải, hàng ngày đều thả gà ra vườn cho gà vận động, gần xuất chuồng không cho ăn cám hạt sẵn mà nấu gạo lứt trộn rau cho ăn nhằm ổn định tăng trưởng, đủ chất để gà ít mổ nhau, giảm mỡ, thịt chắc và ngon hơn. Do đó khách thích mua gà nhà tôi nuôi, tôi không lo về giá cũng như việc tiêu thụ.
Đến nay, tổng đàn gia cầm của huyện Đông Hưng có khoảng 2 triệu con. Việc phát triển chăn nuôi gia cầm đã góp phần giải quyết việc làm, cung cấp nguồn thực phẩm lớn cho thị trường, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đa dạng hóa vật nuôi, giúp người chăn nuôi giải bài toán nuôi con gì, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã liên kết với 0nhiều đơn vị hỗ trợ, cung cấp hàng chục nghìn con gà giống chất lượng cho các hộ nuôi như gà Hồ, gà Mía lai, gà Tam Hoàng, gà lai Đông Cảo… Trước khi hỗ trợ giống, Phòng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn cho lãnh đạo một số địa phương và hộ chăn nuôi nằm trong dự án; tổ chức cho đại diện các hộ đi tham quan mô hình thành công trên địa bàn tỉnh. Với giá bán 85.000 – 90.000 đồng/kg, các hộ nuôi thu lãi 8 – 10 triệu đồng/100 con gà thịt.
Mô hình nuôi gà Mía lai thương phẩm đã khẳng định rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ, mở ra hướng phát triển đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, huyện Đông Hưng sẽ nhân ra diện rộng để có thêm nhiều gia đình có thể làm giàu từ phát triển chăn nuôi.
Hiếu Nghĩa
Nguồn: Báo Thái Bình