Hướng đi mới từ gà Lượng Huệ

Giống gà Lượng Huệ có trọng lượng vừa phải, không quá lớn như các giống gà công nghiệp, cho sản phẩm thịt chất lượng.

Trọng lượng trung bình khi gà trưởng thành đạt từ 2,2 kg – 2,5 kg sau 2 tháng nuôi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Anh Nguyễn Năng Cường, ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu đã quyết định nhập giống gà này về nuôi.

Tiềm năng để phát triển kinh tế

Trại của anh Cường nuôi giống gà Lượng Huệ với hai dòng gà ta chọn tạo LH-001 (gà ri) và LH-009 (gà lai nòi), do công ty Cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ tại Hải Phòng cung cấp.

Giống gà này ít bệnh, chất lượng thịt vượt trội so với các giống gà khác, nuôi càng lâu thịt không bị khô mà vẫn thơm và ngọt. Trong quá trình chăn nuôi, anh Cường áp dụng quy trình vaccine theo nhà sản xuất và các chuyên gia khuyến cáo.

Anh Nguyễn Năng Cường cho biết: “Xác định an toàn dịch bệnh có ý nghĩa sống còn trong chăn nuôi, tôi đặc biệt chú trọng việc bảo vệ sức khoẻ của đàn gà bằng cách cho gà ăn thức ăn trộn vaccine phòng bệnh, sử dụng chế phẩm vi sinh và thảo dược trong nước uống.

Việc chăm sóc đàn gà với chế độ ăn uống khoa học giúp thịt gà không bị khô, giữ được độ thơm ngon tự nhiên. Thành công hôm nay của gia đình là nhờ việc học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và không ngừng cải tiến phương pháp chăn nuôi, trong đó, việc chọn giống gà là yếu tố quyết định”.

Đa phần thời gian gà ở ngoài vườn, chỉ khi ăn và ngủ mới vào chuồng. Việc này không chỉ giúp chúng phát triển tốt hơn mà còn tiết kiệm một phần đáng kể chi phí thức ăn. Gà có thể tự tìm mồi từ côn trùng, cỏ và lá cây, đồng thời giúp thịt gà trở nên thơm ngon, săn chắc, đặc biệt là khi gà được cho ăn bắp, da gà có màu vàng tự nhiên, nhìn rất bắt mắt.

Trang trại nuôi theo mô hình gà thả vườn nên anh Cường chú trọng vấn đề tạo bóng mát cho gà, nhất là vào mùa nắng nóng, do đó, trại trồng mít lá bàng để lấy bóng mát và trái cho gà ăn. Hiện trại nuôi 2.000 con gà, được 88 ngày tuổi, khoảng 30 – 40 ngày nữa sẽ xuất chuồng. Việc cho gà ăn trái cây cũng góp phần tiết kiệm được một phần nhỏ chi phí trong chăn nuôi, đồng thời nâng cao chất lượng thịt gà, thịt sẽ thơm ngon hơn so với chỉ cho ăn thức ăn công nghiệp.

mô hình gà Lượng Huệ

Anh Nguyễn Năng Cường cho gà ăn mít lá bàng để nâng cao chất lượng thịt gà.

Dù nuôi theo hình thức thả vườn, nhưng khu vực chuồng trại được anh Cường thiết kế rất khoa học, tận dụng các nguyên liệu như vỏ trấu làm đệm sinh học cùng hệ thống uống nước tự động để giữ cho nền chuồng luôn khô ráo và sạch sẽ.

Đặc biệt, anh còn lắp những quả cầu hút gió trên mái chuồng giúp thông thoáng khí, giảm thiểu khí độc trong không gian chuồng trại. Trong quá trình nuôi, chú trọng phòng bệnh là chính, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

Anh Cường cho biết: “Ban đầu tôi nuôi giống gà lai nòi rất khó bán. Theo tìm hiểu, thị trường Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh yêu cầu con gà không quá to, chất lượng thịt gà phải ngon. Qua tìm hiểu trên mạng, tôi biết đến giống gà Lượng Huệ được thị trường ưa chuộng.

Do nguồn gen giống nên chất lượng thịt tương đối tốt, nguồn thức ăn được phối trộn, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp nên chất lượng gà cũng được cải tiến, nhờ vậy tôi tìm được đầu ra tương đối ổn định. Những bạn hàng đã tiêu thụ giống gà này thấy chất lượng thịt đạt yêu cầu nên họ tiếp tục gắn bó với trang trại của tôi”.

“Mỗi tháng tôi xuất chuồng từ 1.500-2.000 con gà, trọng lượng bình quân 1,8 kg/con, diện tích chuồng trại 2,4 ha. Giá bán gà thịt cho thương lái là 80.000 đồng/kg. Do sức mua từ năm ngoái đến nay giảm nên tôi không có ý định tăng đàn. Giá cả con giống dao động tuỳ theo thời vụ, xung quanh ngưỡng 17.000 đồng/con, sau 1 ngày tuổi gà được tiêm vaccine phòng ngừa 5 loại bệnh nên thuận lợi cho những người mới bắt đầu nuôi. Thời gian nuôi khoảng 4 tháng xuất chuồng”- anh Cường chia sẻ.

Khuyến khích nông dân duy trì các mô hình kinh tế hiệu quả

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Châu, trang trại gà “khủng” của gia đình anh Cường hiện là niềm mơ ước của nhiều nông hộ, bởi với nhiều người chăn nuôi, phải mất 5-10 năm mới có thể tạo ra một cơ ngơi như thế.

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của gia đình anh Nguyễn Năng Cường không chỉ là một giải pháp kinh tế hiệu quả mà còn là minh chứng rõ ràng cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Đây là một hướng đi tiềm năng, không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.

mô hình gà Lượng Huệ

Trang trại nuôi gà của Anh Nguyễn Năng Cường có khoảng 2.000 con giống.

Bà Lê Thị Ngọc Thuý- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Châu cho biết, mô hình chăn nuôi gà của hộ anh Nguyễn Năng Cường mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, phía địa phương tiếp tục khuyến khích, động viên, duy trì các mô hình kinh tế đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn như: Hợp tác xã Nông nghiệp mãng cầu Minh Trung (Tân Hưng); tổ hợp tác nuôi dê, nuôi dế (xã Suối Dây); nuôi bò vỗ béo (xã Tân Hội); mô hình nuôi dúi (xã Tân Hoà); bơ mã dưỡng, trồng rau hữu cơ (xã Tân Hà); tổ hợp tác nuôi vịt lấy trứng trên cạn, mô hình trồng bắp ngọt (xã Suối Ngô)…

mô hình gà Lượng Huệ

Anh Nguyễn Năng Cường kiểm tra hệ thống chuồng trại.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của các mô hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế tập thể, gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại có liên kết với Hội để hội viên phát triển những mô hình chăn nuôi, sản xuất theo hướng hữu cơ, mang tính bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cũng như thu nhập cao hơn; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp hội viên áp dụng có hiệu quả vào mô hình kinh tế của gia đình.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, ngành đã và đang tập trung triển khai áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi; tập trung phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó tối ưu hoá nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Tỉnh ta cũng đang tập trung thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi phù hợp với quy hoạch. Trong định hướng thu hút đầu tư có sự chọn lọc, ưu tiên những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…

Nhi Trần – Hoàng Yến

Nguồn: Báo Tây Ninh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *