(Người Chăn Nuôi) – Các sản phẩm từ tổ yến có thể mang về những khoản thu nhập lớn cho người nuôi. Thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta rất lớn, là ngành cho sản phẩm có giá trị cao, tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững rất cần những chiến lược phù hợp.
Phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch
Trong 5 năm gần đây, nghề nuôi chim yến ở nước ta phát triển mạnh, hiện đã có trên 42 tỉnh, thành phố. Số lượng nhà yến tăng qua từng năm. Năm 2017, nước ta chỉ có hơn 8.300 nhà yến thì đến năm 2022 đã tăng lên 23.665 nhà . Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có số lượng nhà yến lớn nhất với 2.995 nhà, tiếp đến là Bình Định 1.722 nhà.
Tính đến hết năm 2022, cả nước có 23.665 nhà yến. Ảnh: ST
Theo Bộ NN&PTNT, hiện sản lượng yến cả nước đạt khoảng 200 tấn/năm đem, trị giá khoảng 200 triệu USD/năm. Con số này vượt qua nhiều ngành kinh tế tiềm năng và có triển vọng xuất khẩu. Chính vì vậy, nghề nuôi yến là một trong những danh mục được định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.
Thực tế, nghề nuôi yến cũng không dễ dàng thu lợi nhuận, bởi không phải “nhà” nào cũng dụ được đông chim yến về làm tổ… Thống kê của Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho thấy, chỉ có 7 – 10% nhà yến ở Việt Nam thành công ở mức rất tốt, 10 – 15% ở mức tốt, 15 – 20% đạt mức trung bình, 20 – 25% hiệu quả và 25 – 30% không hiệu quả. Nguyên nhân là do hầu hết cấu trúc nhà yến chưa đạt, trong khi kỹ thuật vẫn còn ở bước bắt đầu. Vì thế, trước khi nuôi chim yến, người dân cần tính toán kỹ vấn đề tài chính nhằm tránh tình trạng “xôi hỏng bỏng không”.
Một nỗi lo khác của người nuôi yến là giá thành, bởi hiện nay do thị trường còn hẹp nên giá cả vẫn bấp bênh. Ở trong nước, do giá cao nên tiêu thụ không nhiều, trong khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì sản phẩm yến cần đảm bảo chất lượng, tuy nhiên, dinh dưỡng từ các tổ yến nuôi chưa đạt tối đa, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, cách chế biến, bảo quản còn mang tính thủ công… Chưa kể, nghề nuôi yến ở nước ta phát triển chủ yếu mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên gặp khó khăn trong quản lý…
Bởi hiện chỉ có Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Một số địa phương như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang và mới đây nhất là Phú Yên có quy hoạch vùng nuôi chim yến. Các tỉnh An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu quy định người nuôi yến phải có trang trại, và không chuyển đổi công năng đất quy hoạch này…; tuy nhiên, số địa phương có quy hoạch so với thực tế vẫn còn ít ỏi.
Chế biến tổ yến thành món ăn giàu dinh dưỡng. Ảnh: ST
Nhiều giải pháp quyết liệt
Ngày 9/11/2022, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn cho sản phẩm yến nước ta, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của yến sào Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu được tổ yến sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu, mà trước hết là mã số cho nhà nuôi chim yến. Nghị định thư cũng nêu rõ việc sản phẩm tổ yến xuất khẩu phải có sự giám sát theo chuỗi, có thể truy xuất nguồn gốc, bảo quản, đóng gói, ghi nhãn đến sản phẩm cuối cùng, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…
Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, đề xuất 3 điều kiện để phát triển ngành yến hiệu quả, bao gồm: Tổ chức lại hệ thống sản xuất và quản lý sản phẩm yến theo chuỗi giá trị; Gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc; Đảm bảo về an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học đối với cơ sở nuôi yến và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến. Đồng thời xây dựng và tiêu chuẩn hóa thương hiệu quốc gia về sản phẩm tổ yến; cam kết mạnh mẽ về hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với người nuôi chim yến, cùng đó là sự ủng hộ vào cuộc giữa các cấp ngành và địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch tổ yến và sản phẩm từ yến.
Gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến đang tích cực chuẩn bị để xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: ST
Để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch tổ yến, ngày 30/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp chấm dứt săn bắt chim yến trái phép, kiểm tra cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số theo đúng quy định; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…
Nam Linh