(Người Chăn Nuôi) – Đây là số liệu được Cục Thú y công bố tại Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024” diễn ra ngày 27/3 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2023, cả nước xảy ra 21 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 11 tỉnh, thành, buộc phải tiêu hủy hơn 40.000 con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 6 tỉnh, buộc phải tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Nhằm giám sát chủ động virus cúm gia cầm, Cục Thú y đã và đang cùng các địa phương tích cực lấy mẫu gia cầm tại các chợ và điểm thu gom trên cả nước. Điều này sẽ giúp phát hiện các chủng virus cúm xâm nhiễm và lưu hành ở gia cầm nghi nhập lậu, gia cầm được thu gom, buôn bán tại các địa phương có nguy cơ cao; đồng thời có thể chủ động theo dõi, giám sát sự biến đổi của virus để cảnh báo sớm dịch cúm gia cầm, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống phù hợp với tình hình thực tế.
Trong năm 2023, hoạt động giám sát được thực hiện tại 15 địa phương với 3.171 mẫu gộp tại 70 chợ/điểm thu gom. Kết quả xét nghiệm, 1.300 mẫu gộp dương tính với virus cúm A (chiếm 41%); 127 mẫu dương tính cúm gia cầm A/H5N1 (chiếm 4,01%); 6 mẫu dương tính với cúm gia cầm A/H5N6 (chiếm 0,19%). Năm 2024, hoạt động giám sát đã được thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố. Hiện tại, các đơn vị đã thu thập, xét nghiệm 63 mẫu hầu họng và mẫu mỗi trường, trong đó, 25 mẫu dương tính với cúm A (39,68%), chưa phát hiện virus cúm gia cầm A/H7N9.
Chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh trên đàn gia cầm. Ảnh: ST
Cục Thú y nhận định, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm luôn hiện hữu xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Thời tiết chuyển mùa, thay đổi liên tục; Tổng đàn gia cầm lớn với khoảng trên 550 triệu con, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine. Hơn nữa, hiện virus cúm gia cầm (các chủng virus A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,…) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 5%). Bên cạnh đó, hoạt động giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng: Muốn kiểm soát tốt bệnh cúm gia cầm, các địa phương cần chú trọng tổ chức tiêm vaccine; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Hiện vaccine, trang thiết bị xét nghiệm cúm gia cầm của nước ta không thiếu, chỉ là địa phương chưa thực sự quyết liệt làm tới cùng. Thông tin tuyên truyền nóng trên trung ương nhưng địa phương lại nguội lạnh thì sẽ không thể hiệu quả.
Do vậy, ông Long đề nghị các địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền tới từng bản làng, thôn xóm để vận động các hộ nuôi tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý triệt để mầm bệnh, không để lây lan trên diện rộng.
Sau 8 năm không có ca bệnh, đến tháng 10/2022 Việt Nam đã ghi nhận trường hợp cúm A/H5N1 trên người. Đặc biệt, mới đây, vào tháng 3/2024, nước ta đã có ca tử vong do cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa. Đây là hồi chuông cảnh báo người dân không được chủ quan với dịch bệnh nguy hiểm có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Thùy Khánh