Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống ươm tơ, dệt lụa, chứng kiến bao thăng trầm của làng nghề, ông Nguyễn Nhất Tuấn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nỗ lực hồi sinh nghề nuôi tằm thương phẩm, làm rượu tằm, nhân rộng mô hình trong dân để hình ảnh biền dâu xanh ngút nơi triền sông.
Nong tằm quê trở về…
Khi những thiết bị ươm tơ, dệt lụa truyền thống cuối cùng dừng hoạt động cách đây mấy năm, ông Nguyễn Nhất Tuấn cũng từ giã nghề tơ tằm. Nhiều xã viên HTX dù được hỗ trợ từ các mô hình, dự án trồng dâu, nuôi tằm nhưng không đủ sức bám trụ, khi thị trường kén, tơ tằm, lụa truyền thống biến động không ngừng. Sản phẩm từ con tằm, cái kén không thể đứng vững.
Đứng trước những biền dâu xanh ngút ngàn có nguy cơ bị bỏ hoang, ông Tuấn trăn trở, phải tìm một hướng đi khác, đó là nuôi tằm thương phẩm và sản xuất rượu tằm, thay vì sản xuất kén và tơ lụa gặp khó.
Khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm trên quê lụa. Ảnh: Hoàng Liên
“Khi thấy xã viên nuôi tằm, bán kén dù được hỗ trợ giống dâu, kỹ thuật, thiết bị nuôi, vẫn không thể bám trụ với nghề, tôi xin những hộp trứng tằm đó, về học hỏi lại kỹ thuật nuôi gia truyền, rồi đầu tư nuôi thử.
Đáng mừng là tỷ lệ trứng nở rất lớn, tằm con phát triển tốt ngoài sự mong đợi. Thấy tôi nuôi được, nhiều xã viên đã cho tôi sử dụng những biền dâu để làm nguồn thức ăn cho tằm” – ông Tuấn chia sẻ.
Đợt nuôi thử nghiệm, mẻ tằm thành công, tỷ lệ trứng nở 100%. Thông thường, 1 hộp trứng tằm sẽ cho ra tằm con phủ kín cả 8 nong, nhưng ông Tuấn chỉ với 2/3 hộp trứng tằm cũng đã cho ra được 8 nong tằm con đạt 2 – 3 ngày tuổi. Đây là giai đoạn tằm lớn rất nhanh, chỉ thời gian ngắn là chuyển sang giai đoạn chín. Lúc này ông Tuấn bán tằm thương phẩm cho người dân làm thực phẩm hoặc cung ứng cho các cơ sở quán ăn, quán nhậu, số còn lại dùng để làm rượu tằm.
Ông cho biết, do nhu cầu thị trường còn yếu, chủ yếu sử dụng làm thực phẩm là chính, trong khi kén tằm và nguồn nguyên liệu ươm tơ, dệt lụa thì rất khó hồi sinh. Thực tiễn cho thấy, mô hình nuôi tằm làm thực phẩm tuy vốn ít nhưng hiệu quả kinh tế cao, việc tiêu thụ dễ dàng hơn so với nuôi tằm kén.
Tằm làm thực phẩm có thời gian nuôi ngắn, không qua giai đoạn chờ tằm lên kén, từ lúc ươm trứng cho đến lúc tằm chín, thu hoạch được khoảng 20 ngày. Cứ 3 tiếng đồng hồ phải cho tằm ăn 1 lần, giữ vệ sinh nơi nuôi thả…
Độc đáo rượu tằm xứ Quảng
Món rượu tằm gia truyền của ông Tuấn hứa hẹn cơ hội hồi sinh những nong tằm, nương dâu xanh rờn trên đất Duy Xuyên. Ông hiểu rõ về vòng đời con tằm cũng như công dụng của chúng, vừa học hỏi vừa thử nghiệm, ông còn đến gặp các lão làng tìm công thức làm rượu tằm.
Ông kể: “Vào một buổi chiều mưa năm 2005, có một tổ ong mật ở đám củi phía sau nhà bị ngập lụt, tôi mang vào ngâm rượu cùng với con tằm. Sau đó, tôi cho hạ thổ 3 tháng. Khi lấy vò rượu lên, màu nước vàng óng thơm ngát mùi mật ong và tằm. Thử một ngụm thấy rất tuyệt vời, tâm trạng lúc ấy rấy khó tả”.
Được sự động viên của Hội Nông dân huyện Duy Xuyên, ông Tuấn đem sản phẩm rượu tằm – rượu ngài đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm, giới thiệu đến du khách đặc sản vùng quê tơ lụa.
“Thấy lạ, du khách kéo đến tham quan gian hàng đông đúc nhưng ít ai dám thử. Tôi phải tư vấn tận tình về công dụng rượu tằm cũng như cách pha chế rất công phu, nên mọi người cũng e dè uống thử. Vài tháng sau, tôi bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng và có nhà đầu tư ngỏ ý muốn phát triển loại rượu mới này” – ông Tuấn tâm sự.
Do công việc kinh doanh khá bận rộn nên ông Tuấn chỉ làm rượu tằm vào các dịp lễ tết, lễ hội dinh Bà (Bà Chiêm Sơn) để dâng cúng tổ tiên và nhớ ơn người đã khai sinh ra nghề ươm tơ dệt lụa.
Mục tiêu phát triển nghề nuôi tằm thương phẩm và sản xuất rượu tằm đối với ông Tuấn vẫn là hướng đi mới. Bởi lẽ, ông chỉ mới sản xuất thử nghiệm, chưa chú trọng vào việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Song, ông đã làm với tất cả tâm huyết của người con sinh ra và lớn lên tại quê lụa, quyết tâm phục hồi và tái hiện hình ảnh trồng dâu nuôi tằm, khơi dậy ký ức một thời trên quê xứ.
Hoàng Liên – Phương Ly