(Người Chăn Nuôi) – Trên thị trường, dê là nguồn thực phẩm rất giá trị, vì vậy nuôi dê đang giúp cho bà con có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, rất dễ gặp bệnh tiêu chảy, bệnh làm cho sức khỏe dê kém, giảm năng suất và chất lượng thịt. Người nuôi cần áp dụng phương pháp phòng trị bệnh đúng cách để tránh rủi ro.
Nguyên nhân
Bệnh thường xảy ra ở dê con, thường phát vào những ngày quá nóng hoặc quá lạnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở đàn dê thường cao trong những trường hợp chăn nuôi kém. Do nuôi nhốt dê trong điều kiện chật chội, vệ sinh kém. Bệnh còn tăng lên vào những ngày nóng bức, quá lạnh hoặc mưa nhiều, độ ẩm cao. Do thức ăn bị nhiễm bùn, ẩm ướt hay thức ăn tinh, thô, khô kém chất lượng (bị ẩm mốc), cho ăn thức ăn không phù hợp với độ tuổi hoặc do thay đổi thức ăn hay chế độ cho ăn đột ngột. Có thể do vi khuẩn E. coli, salmonella hoặc virus.
Triệu chứng
Dạng nhẹ: Thể trạng bình thường, tiêu chảy ngắn, phân thay đổi từ nhão đến loãng, tăng nhu động ruột.
Dạng nặng: cơ thể mất nước, dê mệt mỏi, ủ rũ, kém ăn, mồm khô, hay nằm, hậu môn dính bết phân. Phân có mùi hôi thối. Nếu nặng dê không đứng vững được, gây sút nhanh, mắt hõm sâu, da, tai lạnh, mắt nhợt nhạt, bỏ ăn, có thể dẫn đến chết do mất nước.
Trị bệnh
Trước tiên, người nuôi cần di chuyển dê con sang chuồng sạch sẽ, khô ráo để dê con được nghỉ ngơi. Cọ rửa sát trùng chuồng dê ốm, cho dê uống dung dịch chống mất nước, chống mất chất điện giải, chống thiếu đường và axít như Oresol, vitamin, liều lượng từ 300 – 1.500 ml/ngày. Không cho ăn thức ăn chứa nhiều nước, loại bỏ thức ăn kém phẩm chất. Cần xem xét nguồn thức ăn, nước uống: thức ăn ôi, mốc; sữa để lạnh, dụng cụ chứa sữa không hợp vệ sinh; nước uống bẩn… để loại trừ.
Dùng thuốc điều trị
Trường hợp bệnh nhẹ có thể áp dụng một số cách chữa dân gian như: Dùng các loại lá có vị chát như lá ổi, lá sim, lá chè xanh cho ăn hoặc giã nát lấy nước cho uống.
Trường hợp nặng: truyền tĩnh mạch cho dê bằng dung dịch chống mất nước như Ringerlactat, hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Dùng kháng sinh diệt vi khuẩn bội nhiễm, sử dụng một trong các loại kháng sinh sau: Genta – Tylan, Gentamycin, DONA GENTA 10%. Tiêm bắp với liều 5 – 7 ml/con. Dùng thuốc trợ tim, B – COMPLEX hoặc Vitamin B1, Vitamin C.
Phòng bệnh
Cách ly những dê mắc bệnh, chuyển dê ra khỏi chuồng ô nhiễm để vệ sinh sát trùng. Chuồng trại hàng ngày phải được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo khô ráo, thông thoáng. Đối với dê sơ sinh cần phải bú sữa mẹ càng sớm càng tốt.
Thức ăn nước uống phải được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thức ăn không bị ôi thiu, lên men mốc. Không đột ngột thay đổi thức ăn cho dê. Tập cho dê con ăn thức ăn từ từ, từng ít một. Những dê mới chuyển từ vùng khác đến, nên nhốt riêng ở chuồng trại từ 3 – 4 tuần, lấy các loại thức ăn xanh cho ăn, sau khi quen mới thả cùng đàn.