Hội chứng hen khẹc ở gà

(Người Chăn Nuôi) – Hen khẹc ở gà là hội chứng thường gặp trong quá trình nuôi đối với các nông hộ và các trang trại chăn nuôi gà. Hội chứng này thường gặp ở gà trong mọi lứa tuổi và gây nên những thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi. Bệnh có những biểu hiện giống nhau nên người nuôi khó phân biệt để chăm sóc và điều trị đúng cách. vì vậy đây là vấn đề được rất nhiều bà con quan tâm.

Triệu chứng (biểu hiện) chung

 

Bệnh CRD hay còn gọi là viêm đường hô hấp mạn tính

Là một bệnh phổ biến trên gia cầm, xảy ra quanh năm, đặc biệt nặng vào mùa mưa rét hoặc nóng ẩm đầu năm, thường xuyên tái phát khi sức khỏe gia cầm giảm sút do thay đổi thời tiết hoặc chăm sóc, nuôi dưỡng kém. Bệnh có biểu hiện lâm sàng chậm, tiến trình bệnh dài và thường xuyên kết hợp với E. coli. Trường hợp này gà hen khẹc liên tục. Ngoài ra gà còn bị chảy nước mắt, lúc đầu nước mắt lỏng chảy nhiều sau đó đặc và lâu ngày có thể gây ra mù mắt. Gà bị tiêu chảy phân xanh lẫn trắng hoặc có thể gà bị viêm khớp. Khi mổ khám bệnh tích trên gà, khí quản có thể bị viêm, xuất huyết, tích dịch, túi khí dày lên và có mủ.

 

Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (IB)

Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở gà do Coronavirus gây nên khi gà bị stress do lạnh và dinh dưỡng kém. Bệnh lây lan rất nhanh, thường nhiễm cao đến 100%, tỷ lệ chết đến 25% hoặc hơn nữa ở gà dưới 6 tuần tuổi và không đáng kể ở gà đã trên 6 tuần tuổi. Bệnh lây lan qua tiếp xúc gà khỏe với gà bệnh, qua không khí giữa các chuồng, giữa các trại. Gà con khi bị bệnh có biểu hiện: Há mồm ra thở, ho, hắt hơi, ran khí quản (hen khẹc), dịch mũi chảy, mắt ướt, mắt sưng; thường tụm lại dưới chụp sưởi ấm, xù lông, phân loãng, ăn ít, uống nước nhiều, sút cân. Gà lớn bị bệnh tổn thương ở ống dẫn trứng ít nghiêm trọng hơn, không có dịch mũi, có trường hợp không có triệu chứng lâm sàng (bên ngoài). ở gà đẻ, bên cạnh các bệnh lý hô hấp thì giảm đẻ rõ rệt, giảm tỷ lệ trứng giống, tỷ lệ ấp nở giảm, trứng vỏ mềm, dị dạng, xù xì tăng cao.

 

Bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT)

Bệnh do virus Coronavirus gây ra với những đặc trưng thể hiện ở đường hô hấp. Bệnh xảy ra ở gà từ sau 20 ngày đến dưới 1 năm tuổi, bệnh nặng nhất vào giai đoạn gà được 3 – 5 tháng tuổi. Gà bị bệnh có biểu hiện hắt hơi, thở khó, thở khò khè, kém ăn, chậm lớn, lông cánh xơ xác, khi ho gà lắc đầu vẩy mỏ, kiểm tra ở mũi và miệng có dịch nhầy màu hồng, kiểm tra vách tường hay nền chuồng có vệt mầu thâm đen. Khi mổ khám gà, bệnh tích tập trung ở đường hô hấp, chủ yếu ở thanh quản, khí quản. (niêm mạc thanh quản và khí quản có nhiều dịch viêm, xuất huyết lấm tấm, phủ fibrin màu vàng xám, dễ bóc. Quá trình viêm còn lan sâu vào trong niêm mạc phế quản, phổi và các túi khí)..

 

Bệnh ORT

Thường gọi là bệnh hắt hơi hay bệnh hen phức hợp ở gà, do vi khuẩn gram âm gây ra với dấu hiệu như hắt hơi chảy nước mắt nước mũi. Gà mắc bệnh khó thở, thường dướn cổ lên để ngáp, đớp không khí. Mổ khám thấy phổi viêm có mủ, bã đậu hình ống trong phổi và 2 phế quản chính, túi khí viêm có bọt khí, có thể có mủ màu vàng; có màng ở túi khí, màng gan, màng tim. Đây là bệnh khá phổ biến ở gia cầm, đặc biệt là ở gà. Hàng năm, căn bệnh này đã gây nhiều thiệt hại cho bà con chăn nuôi gà. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân, mùa hè và thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí tăng cao. Gà thịt thường mắc lúc 3 – 6 tuần, các loại gà khác thường từ 6 tuần tuổi trở lên. Tỷ lệ nhiễm bệnh cao 50 – 100% nhưng tỷ lệ chết và loại thải thấp 5 – 20%.

 

Bệnh Newcastle (bệnh gà rù)

Là một bệnh rất phổ biến và cũng được rất nhiều người chăn nuôi quan tâm. Bệnh do virus thuộc nhóm Paramyxovirus gây bệnh cho gà mọi lứa tuổi, đặc trưng bởi hiện tượng xuất huyết, viêm loét đường tiêu hóa, thời kỳ nung bệnh thường là 5 ngày, có thể biến động 5 – 12 ngày.

Bệnh lây lan nhanh gây thiệt hại nghiêm trọng, có thể đến 100% trên đàn gà bệnh. Gà mắc bệnh thường có triệu chứng ủ rũ, ăn ít, uống nước nhiều, lông xù, sốt cao 42 – 43°C, hắt hơi, sổ mũi, thở khó trầm trọng, mào và yếm tím bầm, từ mũi chảy ra chất nhớt, thức ăn ở diều không tiêu, nhão ra do lên men, khi dốc gà ngược thấy có nước chảy ra có mùi chua khắm. Vài ngày sau gà tiêu chảy phân có màu nâu sẫm, trắng xanh hay trắng xám. Ở cuối ổ dịch, gà có triệu chứng thần kinh, cơ quan vận động bị tổn thương biến loạn nặng. Con vật vặn đầu ra sau, đi giật lùi, vòng tròn, mổ không đúng thức ăn, những cơn co giật thường xảy ra khi có kích thích. Mổ khám bệnh tích gà bệnh thấy: Niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết màu đỏ, tròn bằng đầu đinh ghim, các điểm xuất huyết này có thể tập trung thành từng vệt. Dạ dày cơ xuất huyết. ruột non xuất huyết, viêm. Trong trường hợp bệnh kéo dài có thể có những nốt loét hình tròn, hình bầu dục, cúc áo. Trường hợp bệnh nặng nốt loét có thể lan xuống ruột già, ruột non.
 

Phòng bệnh

Giữ chuồng nuôi và khu vực chăn thả thường xuyên sạch sẽ khô ráo; định kỳ sát trùng chuồng nuôi và môi trường xung quanh; giữ ấm cho gà trong những ngày giá lạnh; nuôi đúng mật độ theo các nhà chuyên môn khuyến cáo.

Khẩu phần ăn hàng ngày phải đầy đủ các chất dinh dưỡng và cân đối; định kỳ bổ sung các thuốc có tác dụng nâng cao sức đề kháng (Vitamin A.D.E, Multivit – C; Premix khoáng; Điện giải – Vitamin; Gluco-KC thảo dược), mỗi tháng 1 lần và mỗi lần 7 – 10 ngày.

Dùng vaccine tiêm phòng bệnh cho gà đối với những bệnh có vaccine phòng bệnh:

Bệnh Newcaste và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm: Khi gà được 5 – 7 ngày tuổi: Dùng ND-IB nhỏ cho gà lần 1; khi gà được 19 – 21 ngày tuổi: Dùng ND-ID nhỏ lần 2; khi gà 60 ngày tuổi: Dùng ND – IB lần 3 (hoặc dùng vaccine Newcastle hệ I tiêm cho gà.

Đối với bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT): Khi gà được 25 ngày tuổi phòng lần I và sau 1 tháng phòng lần II và khi gà 8 tuần tuổi tiêm phòng lần I và khi gà được 10 tuần tuổi tiêm phòng lần III

 

Trị bệnh

Nếu thấy đàn gà có biểu hiện hen khẹc, cần kiểm tra cụ thể đàn gà để xác định được 1 trong 5 trường hợp nêu ở trên để có phác đồ điều trị thích hợp và kịp thời cho hiệu quả cao. Trong trường hợp không xác định được các trường hợp cụ thể, có thể áp dụng phác đồ điều trị tổng hợp sau đây:

– Cải thiện môi trường chăn nuôi: Thay chất độn chuồng và dọn sạch khu chăn thả; sát trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; giữ ấm cho gà trong những ngày giá lạnh; dãn mật độ đàn khi cần thiết.

– Cho toàn đàn uống nước tỏi: 100 g tỏi giã nhỏ hòa với 10 lít nước. Gạn lấy nước trong cho gà uống, bã tỏi trộn lẫn với thức ăn cho gà ăn hàng ngày.

– Dùng kháng thể GUM tiêm cho đàn gà trong 3 ngày liên tục. Liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.

– Sau 3 ngày tiêm kháng thể GUM dùng vaccine ND-IB: Hòa với nước sạch cho toàn đàn uống (tốt nhất là nhỏ) với liều lượng gấp 2 lần liều phòng.

– Sau 1 ngày sử dụng vaccine, dùng Gluco-KC thảo dược + Vitamin A.D.E + Multivit C + thuốc giải độc gan thận: Cho gà uống tự do và liên tục 10 – 15 ngày.

– Sau 2 – 3 ngày dùng thuốc bồi bổ cơ thể, dùng thuốc diệt vi khuẩn bội nhiễm và thuốc giảm viêm, dùng một trong các loại kháng sinh sau: Timicosin, hoặc Erythromycin, hoặc Cefotaxin, hoặc Tetramycin, hoặc Doxy 50 – 75, hoặc Flo – Doxy. Một trong các loại kháng sinh trên phối hợp với Prednisolon (1 vỉ 10 viên tán nhỏ, dùng cho 2 tạ gà). Trộn vào khẩu phần ăn hàng ngày hoặc pha với nước sạch, cho gà ăn hoặc uống liên tục 5 – 7 ngày (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *