Hoàn thiện kỹ thuật nuôi lợn từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên để nhân rộng

Cơ quan chuyên môn đánh giá, mô hình thử nghiệm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cho kết quả khả quan, cần nhân rộng. Đây là thành quả bước đầu mà đề tài khoa học do nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) mang lại.

Đầu tháng 4 năm nay, cơ quan chuyên môn đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình sử dụng thức ăn cho lợn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên. Thực tế đánh giá tại mô hình thử nghiệm (gồm 4 ô chuồng nuôi thí nghiệm với 9 con lợn đen bản địa/ô chuồng tại gia đình ông Dương Quốc Hải, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) cho thấy kết quả bước đầu khả quan. Thức ăn cho lợn gồm cám gạo, ngô, đỗ… qua ủ men kết hợp với bột trà xanh của Thái Nguyên.

nuôi lợn trà xanh

Lợn đen bản địa được nuôi thử nghiệm bằng thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh. Ảnh: Q.T

Các nhà khoa học đánh giá, sau khoảng 4 tháng thử nghiệm cho thấy lợn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, có sức đề kháng cao hơn lợn nuôi thông thường. Thức ăn có bột trà xanh Thái Nguyên giúp lợn có khả năng miễn dịch tốt, giảm các loại bệnh thường gặp về đường ruột và làm tăng chất lượng thịt.

Đến tháng 6 vừa qua, sau chu kỳ nuôi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá và tiếp tục khẳng định: Lợn nuôi từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh cho tỷ lệ thịt, nhất là thịt nạc, tăng, độ dày mỡ lưng giảm, khả năng giữ nước của cơ, tỷ lệ protein trong thịt tăng, không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng…

Với lợi thế là địa phương có thế mạnh về cây chè, nên việc khẳng định thức ăn cho lợn có bổ sung từ nguyên liệu chè xanh giúp nâng cao chất lượng thịt lợn, được tỉnh đặc biệt quan tâm. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát thêm một số địa điểm phù hợp có thể tiếp tục thử nghiệm nuôi lợn theo phương thức trên. Các cơ quan đã khảo sát tại trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Dũng Tân (TP. Phổ Yên) và nhận thấy, đơn vị này có thể phát triển thành mô hình trang trại với 15 chuồng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn…

Trước kết quả khả quan trên, sau khi xem xét báo cáo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo. Trước tiên giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tiếp tục phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên cho các hộ đã đăng ký nuôi thử nghiệm. Từ đó tổng kết đánh giá và bổ sung căn cứ để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thịt lợn nói trên theo quy định. Mặt khác, trên cơ sở chi phí đầu vào và quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, tính toán, dự kiến giá thành sản phẩm thịt lợn được nuôi theo phương pháp này, báo cáo UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp kết nối, làm việc cụ thể với Tập đoàn Flamingo và các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh để đăng ký tiêu thụ sản phẩm thịt lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương trong tỉnh lựa chọn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia thử nghiệm mô hình này. Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới và những năm tiếp theo. Yêu cầu các địa phương phải chủ động thúc đẩy triển khai mô hình theo hướng lồng ghép, có cơ chế hỗ trợ đối với hộ chăn nuôi tham gia thử nghiệm theo quy định.

Nguyễn San

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *