Hòa Bình: Vùng cao Đà Bắc nuôi lợn bản địa, cải thiện thu nhập

Những năm trở lại đây, chăn nuôi lợn bản địa được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc chú trọng. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Lợn đen bản địa là giống lợn cho chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa bàn vùng cao, nơi có diện tích chăn thả và nguồn thức ăn dồi dào. Với huyện vùng cao Đà Bắc, từ xa xưa, giống lợn đen, kích thước nhỏ đã được bà con nuôi để cải thiện. Trước đây, lợn thường được nuôi thả rông khắp vườn, đồi, chủ yếu để cải thiện chứ chưa được coi như vật nuôi đem lại nguồn thu nhập. Mấy năm trở lại đây, giá lợn đen luôn duy trì ở mức cao, thị trường ưa chuộng nên nhiều hộ ở huyện Đà Bắc đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn đen bản địa.

nuôi lợn đen bản địa

Hộ dân xóm Khem, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) nuôi lợn đen bản địa đem lại thu nhập khá.

Ở xã Đoàn Kết, chăn nuôi lợn đen bản địa đang là hướng phát triển kinh tế được người dân chú trọng. Hiện nhiều hộ chăn nuôi với quy mô vài chục con. Như gia đình ông Lò Văn Ân, xóm Khem nuôi 5 con lợn nái và hàng chục lợn thịt. Theo ông Ân chia sẻ, trước đây, gia đình chỉ nuôi 1 – 2 con nái, sau khi nái sinh sản được bao nhiêu con thì để nuôi. Gia đình tận dụng khoảng vườn sau nhà để thả lợn. Sau thời gian nuôi từ 7, 8 tháng đến 1 năm tuổi thì xuất bán, giá luôn ổn định trên 100 nghìn đồng/kg. Nhận thấy nhu cầu thị trường cao, giá ổn định nên ông Ân đã xây dựng khu chăn nuôi lợn đen với số lượng từ 5 – 6 nái. Hiện nay, giá bán bình quân 120 nghìn đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.

Nếu như gia đình ông Ân đã duy trì nuôi lợn đen bản địa nhiều năm thì gần đây, nhiều hộ dân ở xã Đoàn Kết mới chú trọng mở rộng quy mô nuôi giống lợn này theo hướng hàng hoá. Như gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, năm vừa rồi đã xây dựng chuồng trại để nuôi lợn đen với số lượng lớn. Anh Tuất chia sẻ: Gia đình có đất vườn, đồi rộng nên đang định sẽ quây một khu rộng tầm 1 ha để nuôi lợn đen. Giống lợn này khá khoẻ mạnh, chống chịu bệnh tốt, ăn tạp nên dễ nuôi. Đặc biệt, hiện nay không chỉ xuất bán cho thương lái ngoài huyện, mà ngay trong huyện đang có nhu cầu lớn, nhất là các khu du lịch.

Không chỉ ở xã Đoàn Kết mà hầu hết ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng chú trọng nuôi lợn đen bản địa. Ở xã Trung Thành, hiện một số hộ xác định sẽ tập trung nuôi lợn bản địa để nâng cao thu nhập. “Ở trên này bà con trồng ngô, sắn, trồng rừng. Đó là những điều kiện thuận lợi nhất để nuôi lợn đen. Ngày trước đầu ra khó khăn nhưng hiện đường giao thông đã thuận lợi nên việc tiêu thụ dễ hơn. Bà con trong xóm có thể chở lợn ra tận thành phố Hoà Bình để tiêu thụ mà chỉ mất 1 giờ đồng hồ”, anh Hà Văn Hướng, xóm Sổ, xã Trung Thành chia sẻ.

Bên cạnh thúc đẩy chăn nuôi lợn bản địa theo hướng hàng hoá, huyện đã chú trọng xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ lợn đen. Tiêu biểu như ở xã Tân Minh, các hộ chăn nuôi lợn bản địa đã liên kết, thành lập hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm thịt lợn bản địa. Hiện nay, sản phẩm thịt lợn Tân Minh đã được đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, những năm qua, trên địa bàn huyện duy trì trên 23 nghìn con lợn bản địa, được nuôi ở trên 3 nghìn hộ dân. Lợn bản địa nuôi thả rông, thức ăn chủ yếu là tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn có sẵn trong tự nhiên, không sử dụng kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng, thời gian nuôi lâu nên chất lượng thịt được đánh giá cao. Hiện nay, huyện đang thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn bản địa, như hỗ trợ mua lợn giống bản địa từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Viết Đào

Nguồn: Báo Hòa Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *