Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, vụ đông xuân 2023 – 2024 sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ có thể xuống thấp dưới mức trung bình so với hàng năm. Do đó, ngay từ bây giờ, người dân chủ động thực hiện các biện pháp để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, tổng đàn trâu trong tỉnh có trên 114 nghìn con, đàn bò trên 89 nghìn con, đàn lợn trên 486 nghìn con, đàn gia cầm trên 8,3 triệu con. Chăn nuôi vẫn là nghề đem lại thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân. Những năm qua, công tác phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi được các cấp chính quyền và người chăn nuôi quan tâm. Tuy nhiên vẫn còn một số ít hộ chăn nuôi tại các xã vùng cao còn hiện tượng thả rông gia súc, chuồng trại chăn nuôi chưa được che chắn đảm bảo, việc dự trữ thức ăn còn thiếu. Do đó vẫn xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét, nhất là trong các đợt rét đậm, rét hại xảy ra vào nửa cuối tháng 2/2022, toàn tỉnh có trên 600 con trâu, bò bị thiệt hại.
Để chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, gia đình ông Bùi Văn Chiền, xóm Bợ, xã Thạch Yên (Cao Phong) đã gia cố chuồng trại, dự trữ rơm và bổ sung thêm dinh dưỡng cho đàn bò.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, từ sau thu hoạch lúa vụ hè thu, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. Như gia đình ông Bùi Văn Chiền, xóm Bợ, xã Thạch Yên (Cao Phong) đã tích trữ được lượng rơm lớn để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Gia đình ông Chiền là hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng duy trì trên 10 con. Với lợi thế có 3 ha đồi rừng nên gia đình ông không gặp nhiều khó khăn về nguồn thức ăn. Tuy nhiên vào mùa đông, nguồn thức ăn cũng giảm sút do cỏ không phát triển. Do đó, ngoài tích trữ rơm, rạ, gia đình ông trồng thêm cỏ voi, trồng mía để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông sắp tới.
Vùng cao của huyện Đà Bắc cũng khá khắc nghiệt trong mùa đông. Thực tế, mùa đông năm 2022, đây cũng là địa phương có nhiều trâu, bò bị thiệt hại do đói, rét. Những năm qua, huyện tăng cường hướng dẫn, khuyến cáo đến người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, đặc biệt là quản lý vật nuôi trong những ngày nhiệt độ giảm sâu.
Gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) là hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng trên 10 con, theo hình thức bán chăn thả. Ban ngày, gia đình anh Tuất chăn thả trên khu đồi rừng của gia đình, chiều về cho ăn thêm cỏ và một số loại thức ăn tinh. Anh Tuất cho biết, để chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, gia đình anh đã gia cố chuồng trại, chuẩn bị sẵn bạt để che chắn, đảm bảo kín gió trong những ngày rét. Bên cạnh đó, gia đình trồng khoảng 1 ha cỏ voi, tích trữ vỏ ngô để đảm bảo đủ thức ăn cho trâu, bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể chăn thả được.
Sự chủ động của anh Tuất, ông Chiền là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa đông. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi gây ra, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động gia cố, che chắn lại chuồng trại cho đàn vật nuôi trước khi vào vụ đông xuân. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng và bổ sung thức ăn tinh, các loại khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Đảm bảo mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò có ít nhất một cây rơm, lượng thức ăn dự trữ đáp ứng cho trâu, bò đảm bảo bình quân 5 – 7kg rơm khô/con/ngày trong những ngày giá rét.
Đồng chí Phó Chi cục trưởng khuyến cáo thêm: Trong những ngày giá rét, người chăn nuôi phải di chuyển đàn trâu, bò thả rông trên rừng về nuôi nhốt tại chuồng. Khi nhiệt độ xuống dưới 120C không nên cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do mà nuôi nhốt tại chuồng để quản lý và chăm sóc. Ngoài ra, thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ để nâng cao miễn dịch, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi.
Viết Đào
Nguồn: Báo Hòa Bình