Từ đầu năm đến nay, nhìn chung, người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Giá lợn, gà vẫn ở mức thấp, giá trâu, bò chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Trong khi đó, sau thời gian dài tăng phi mã, đến nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Những năm trước đây, vợ chồng anh Bùi Văn B., xã Gia Mô (Tân Lạc) đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Sau hơn 5 năm xa quê, anh B. quyết định trở về quê lập nghiệp với đồng vốn khởi nghiệp gần 200 triệu đồng tích cóp được trong thời gian đi làm ăn xa. Trong khi nhiều người e ngại đầu tư vào chăn nuôi, anh B. quyết định mạo hiểm bỏ vốn nuôi trâu vỗ béo và nuôi lợn thịt. Anh B. lý giải: "Giá lợn, giá trâu, bò giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng tôi nghĩ mức giá như vậy là đã chạm đáy rồi, khi dịch qua đi giá cả sẽ tăng trở lại. Do đó, thời điểm tôi mua con giống, giá thấp hơn trước gần một nửa, mỗi con trâu giống chỉ khoảng 13 – 15 triệu đồng”.
Thời gian qua, nhiều hộ tận dụng thức ăn có sẵn để chăn nuôi, hạn chế cám công nghiệp nhằm giảm chi phí. Ảnh chụp tại xóm Kho, xã Chí Đạo (Lạc Sơn).
Đang trong chu kỳ vỗ béo cho trâu nên rất khó để kết luận rằng anh B. có đúng khi chọn đầu tư chăn nuôi trâu vỗ béo hay không, bởi hiện nay giá trâu vẫn đang ở mức thấp. Nhưng với những người mua con giống trước thời điểm giá trâu, bò giảm mạnh thì rõ ràng, họ đã chịu thua lỗ nặng nề. Trước thực tế giá lợn vẫn ở mức thấp, trong khi giá cám chưa giảm, nhiều hộ chăn nuôi đã linh hoạt trong chăn nuôi. Như gia đình bà Bùi Thị Hoa, xóm Kho, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) tận dụng bỗng rượu và thức ăn có sẵn tại địa phương để chăn nuôi lợn. Do đó, gia đình giảm đáng kể chi phí thức ăn chăn nuôi, mỗi lứa lợn bán ra vẫn có lãi.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh cho biết: Tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh hiện có 114.560 con, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2022; tổng đàn bò 89.710 con, bằng 102,6% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn trên 476 nghìn con, gia cầm trên 8,7 triệu con. Trong tháng 1/2023, ước sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 347 tấn, thịt bò 285 tấn, thịt lợn 5.800 tấn, thịt gia cầm 2.653 tấn. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt hơi các vật nuôi đều tăng khá, nguyên nhân do những tháng gần Tết cổ truyền, các lễ hội, đám cưới diễn ra nhiều hơn nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng tăng cao.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn vì giá lợn, trâu, bò và gia cầm vẫn "ổn định” ở mức thấp. Cụ thể, hiện giá lợn dao động từ 53 – 55 nghìn đồng/kg; giá gà ta từ 130 – 140 nghìn đồng/kg; giá gà Lạc Thủy từ 80 – 85 nghìn đồng/kg; giá trâu, bò hơi dao động khoảng 80 nghìn đồng/kg. Đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY phân tích: Suốt thời gian dài, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, bình quân tăng từ 30 – 40% so với trước đây, cao nhất có loại cám tăng đến 50%. Như vậy, nếu người chăn nuôi lợn sử dụng 100% thức ăn công nghiệp thì giá lợn phải đạt từ 58 – 60 nghìn đồng mới hòa vốn, trên 60 nghìn đồng mới có lãi. Đối với gà Lạc Thủy cũng vậy, với mức giá như hiện nay, người nuôi gà cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Còn đối với chăn nuôi trâu, bò, sau những dự báo về sự "ấm” lên của thị trường tiêu thụ cũng như giá bán thì đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Trong tháng đầu năm 2023, tổng đàn trâu cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Để giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy khuyến cáo, người chăn nuôi cần tận dụng thức ăn có sẵn ở địa phương để giảm bớt chi phí chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần theo dõi diễn biến của thị trường, thận trọng trong tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.
Trong bối cảnh người chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn vì sự biến động của giá cả thị trường thì vẫn tồn tại một nghịch lý đáng lưu tâm, đó là giá thịt lợn, thịt trâu, thịt bò vẫn ở mức cao…
Viết Đào
Nguồn: Báo Hòa Bình