Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh. Mặc dù các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục, rút kinh nghiệm.
Cuối tháng 6/2024, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Đà Bắc, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị địa phương khắc phục những khó khăn, tồn tại để ngăn chặn, dập dịch.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), từ đầu năm 2024 đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 21 xã của 7 huyện. Hiện còn 17 xã chưa công bố hết dịch, gồm: Đoàn Kết, Hữu Lợi, Phú Lai, Ngọc Lương (Yên Thuỷ); Cao Sơn, Tú Lý, Tân Pheo, Trung Thành (Đà Bắc); Nuông Dăm, Tú Sơn (Kim Bôi); Đồng Tân, Tân Thành, Sơn Thủy (Mai Châu); Văn Nghĩa (Lạc Sơn); xã Hòa Bình, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình); xã Bình Thanh (Cao Phong). Bệnh DTLCP đã gây thiệt hại cho 243 hộ chăn nuôi, thuộc 55 thôn, xóm với 1.419 con lợn bị ốm, chết phải tiêu huỷ, trọng lượng trên 48 tấn.
Thời gian qua, UBND tỉnh, ngành NN&PTNT, Chi cục CN&TY đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các xã đã công bố dịch còn nhiều bất cập. Ngày 27/6, Chi cục CN&TY ban hành Báo cáo số 675/BC-CNTY báo cáo kết quả công tác phòng, chống DTLCP. Trong đó chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, bấp cập, như: Tại các xã có bệnh DTLCP, các địa phương đều có quyết định công bố dịch và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin lợn bệnh, lợn chết và tiến hành lấy mẫu để gửi xét nghiệm xác định dịch chưa kịp thời. Đối với ổ dịch xảy ra tại huyện Mai Châu, Phòng NN&PTNT huyện chậm tham mưu cho UBND huyện công bố dịch (40 ngày sau mới công bố dịch kể từ khi nhận kết quả trả lời xét nghiệm dương tính với vi rút DTLCP). Do đó, nhiều hộ chăn nuôi có lợn ốm, chết đã giết mổ chia nhau làm thực phẩm hoặc bán chạy dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, việc chôn hủy lợn ốm, chết do dịch bệnh tại ổ dịch chưa đảm bảo đúng quy định; Biên bản tiêu hủy lợn chưa đảm bảo tính minh bạch, không đầy đủ nội dung và các thành phần tham gia, không có đầy đủ chữ ký xác nhận. Đáng chú ý, có một số trường hợp cơ sở chưa xuất trình được Biên bản tiêu hủy lợn của hộ chăn nuôi có lợn tiêu hủy theo danh sách của địa phương cập nhật, báo cáo. Tại thời điểm Chi cục CN&TY kiểm tra (ngày 31/5/2024), UBND xã Cao Sơn (Đà Bắc) không xuất trình được đủ biên bản các hộ có lợn chết bị tiêu hủy của xã theo tổng hợp báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc gửi cho Chi cục CN&TY cập nhật.
Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết: Qua kiểm tra trực tiếp tại các hộ có lợn bị bệnh phải tiêu hủy cho thấy, nhiều hộ chưa thực hiện vệ sinh thu gom chất độn, chất thải chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi; không chủ động mua vôi bột để rắc nền chuồng. Chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt huy động nguồn lực, nhân lực để tổ chức tổng vệ sinh khử trùng chống dịch. Ngoài ra, việc kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và sản phẩm của lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh và lợn chết trong ổ dịch, tại thời điểm kiểm tra tất cả các xã có dịch chưa thực hiện với lý do không bố trí được kinh phí để thực hiện. Một số ổ dịch không có biển báo tại các trục đường giao thông chính của địa phương để cảnh báo người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc làm tăng nguy cơ lây lan dịch. Trong ổ dịch vẫn có hiện tượng người dân giết mổ lợn ốm, chết chia nhau làm thực phẩm, vứt xác lợn chết ra môi trường.
Mới đây, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại huyện Đà Bắc. Qua kiểm tra đồng chí cho rằng, nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn nếu các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh để người dân, chính quyền cơ sở biết và tổ chức thực hiện. Đồng thời thành lập các tổ kiểm soát dịch bệnh, các chốt chặn trên các tuyến giao thông chính để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước những khó khăn trong phòng, chống DTLCP, Bộ NN&PTNT vừa có quyết định xuất cấp hỗ trợ tỉnh Hoà Bình 10 nghìn lít thuốc sát trùng. UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện. Đây là sự hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh bệnh DTLCP diễn biến phức tạp, các địa phương, hộ chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh.
Viết Đào
Nguồn: Báo Hòa Bình