Đầu như công, mào như quả dâu, đuôi rậm, cong vút, gà Hồ là giống gà đẹp, ngon, quý hiếm, nằm trong các giống gà tiến vua. Đây cũng là nguyên mẫu trong các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng. Hiện ở vùng quê gốc của giống gà này chỉ có vài nghìn con bán Tết và gần như đã “cháy” hàng.
Từ xa xưa, gà Hồ đã được coi là giống gà quý hiếm, chỉ dùng để tiến cống vua, chúa thời phong kiến, là đặc sản trứ danh của làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh (vì gắn với địa địa danh Kinh Bắc, gồm Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay nên gà Hồ còn được gọi là gà Hồ Kinh Bắc). Loại gà này đắt đỏ và nổi tiếng bởi đẹp mã, to khỏe và chất lượng thịt chắc, ngon, ngọt.
Gà Hồ có nhiều đặc trưng không lẫn với các loài gà khác. Đầu gà Hồ giống hình đầu con công. Mào giống quả dâu đỏ úp trên đầu. Thân thường có hai màu chủ đạo là màu đen ánh xanh và màu đỏ đậm (giống màu quả mận chín). Đuôi gà Hồ xòe to như cái nơm, các lông đuôi gần như bằng nhau. Chân thường to, thấp, tròn, có 3 hàng vẩy, vẩy chân mịn màu vỏ đỗ nành. Trọng lượng của một chú gà trống khi trưởng thành sẽ nặng từ khoảng 4 – 7 kg.
Đầu gà Hồ giống hình đầu con công. Mào giống quả dâu đỏ úp trên đầu.
Ngoài những đặc điểm về hình dáng, gà Hồ trống được ví như “chính nhân quân tử” khi hội tụ đủ “văn, võ, dũng, nhân, trí, tín”.
Cụ thể: Mào gà đỏ tươi tượng trưng cho chiếc mũ của quan văn (văn), cựa gà chắc khỏe tượng trưng cho thanh kiếm (võ), khí phách anh dũng khi chiến đấu với kẻ địch để bảo vệ đàn gà (dũng), biết chia sẻ với đồng loại khi kiếm được mồi (nhân), khôn ngoan, tinh tường dẫn đàn đi kiếm mồi và phòng kẻ địch (trí), luôn dậy sớm gáy đúng giờ để báo thức một ngày mới (tín).
Ông Dương Thành Trung (thôn Lạc Thổ Bắc) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi gà Hồ thuần chủng. Đối với ông Trung, việc nuôi gà Hồ không chỉ là kế sinh nhai mà còn là bảo tồn và phát triển giống gà có nguồn gen quý hiếm của địa phương.
Hiện, gia đình ông nuôi đàn gà khoảng 300 con, dự kiến trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay xuất bán khoảng 100 con gà thương phẩm.
“Thời gian nuôi một lứa gà Hồ thương phẩm sẽ mất từ 10 – 12 tháng. Chỉ với thức ăn sạch như thóc, ngô, cám gạo, rau xanh, kết hợp nuôi thả, gà Hồ cho chất lượng thịt ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn so với các loại gà khác. Bên cạnh đó, gà Hồ còn tượng trưng cho sự đại cát, đại lợi và đã trở thành quà tặng ý nghĩa trong mỗi dịp Tết”, ông Trung chia sẻ.
Đối với ông Dương Thành Trung, việc nuôi gà Hồ không chỉ là kế sinh nhai mà còn là bảo tồn và phát triển giống gà có nguồn gen quý hiếm của địa phương.
Vẫn như mọi năm, gà Hồ con giống đang có giá 100.000 đồng/con. Gà trống nặng từ 4 kg trở lên giá 400.000 đồng/kg, từ 5 kg trở lên giá 500.000 đồng/kg. Mặc dù còn hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, nhưng số lượng khoảng 100 con gà Hồ thương phẩm của gia đình ông Trung đã được khách quen đặt hàng gần hết.
Ông Nguyễn Đăng Chung – Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi, bảo tồn gà Hồ, kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi gà Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) – cho biết: “Tổng số thành viên trong hợp tác xã và câu lạc bộ là 30, với số gà nuôi khoảng 1000 – 1500 con. Hiện tại, hầu hết hộ chăn nuôi vẫn duy trì ở quy mô nhỏ, manh mún của hộ gia đình. Việc bảo tồn, chọn lọc để duy trì nguồn gen của loài gà quý này đang được người dân địa phương tích cực thực hiện”.
Ông Nguyễn Đăng Chung – Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi, bảo tồn gà Hồ – đang chăm sóc đàn gà Hồ.
Ông Chung cũng đại diện cho các thành viên trong hợp tác xã, câu lạc bộ bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm, có những chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cũng như hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ đối với nông dân chăn nuôi gà Hồ Kinh Bắc.\
Hình ảnh gà Hồ cũng là nguyên mẫu của hình tượng gà trong các bức tranh Đông Hồ nổi tiếng (cũng ở Thuận Thành, Bắc Ninh). Hình ảnh gà Hồ làm nền tảng cho nhiều mẫu tranh Đông Hồ khác nhau như Đại cát, Gà mẹ gà con, Gà thư hùng, Gà trống hoa hồng… biểu tượng cho sự sung túc, phú quý và an lành.
Nguyễn Hải