Hiểu thêm về dê Boer

(Người Chăn Nuôi) – Với đặc tính dễ nuôi, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, nhiều hộ dân ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng… lựa chọn nuôi dê Boer lai để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Đặc điểm

Dê Boer (hay còn gọi là dê Nam Phi) với đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, cho sản lượng thịt nhiều hơn các loại dê thông thường và thịt chứa nhiều chất béo. Một con dê Boer trưởng thành cân nặng khoảng 100 kg và có thể cung cấp hơn 40 kg thịt, thậm chí có thể đạt cân nặng 240 pounds (109 kg).

Giống dê này có 2 sắc lông đen trắng trên mình, có màu lông nâu, có vòng trắng quanh cổ. Lông đen phủ hết trọn phần cổ, lưng, hai bên hông và phần trên đuôi. Còn lông trắng ở mặt dưới của tai, ở hai sọc trên mặt chạy song song từ đầu đến mũi, phần bụng và 4 khuỷu chân trở xuống. Với sắc lông này trông con dê giống con bò Hà Lan. Boer là con vật thuần tính, dẻo dai, có khả năng phát triển trong những điều kiện khí hậu khác nhau, tính kháng bệnh tốt và ăn tạp, thích chăn thả. Nuôi chăn thả trên đồng cỏ nghèo, khô hạn vẫn phát triển tốt.

Trọng lượng con cái trưởng thành nặng 90 – 100 kg/con, con đực 100 – 160 kg/con. Dê Boer có cơ bắp rất đầy đặn, nhất là phần ngực, đùi, sinh trưởng nhanh dê cho nhiều sữa, nhưng đa số đều có chu kỳ sữa ngắn ngày. Do đó, nhiều người cho giống dê này lai với dê Bách Thảo để năng suất sữa được cao hơn và chu kỳ sữa được dài hơn. Chúng có thân màu trắng có vành nâu đỏ hoặc đen quanh cổ, hoặc màu đỏ (Boer đỏ). Trọng lượng lúc trưởng thành dê đực 80 – 100 kg, dê cái 70 – 80 kg. Tăng trưởng bình quân 150 – 200 g/con/ngày. Chất lượng thịt tốt, đây là loại thịt dày, cholesterol thấp, protein cao, thịt mềm, thơm.

Dê Boer tăng trưởng nhanh, chúng dễ nuôi, mắn đẻ, nuôi con giỏi. Chúng động đực đầu tiên 5 – 7 tháng tuổi. Tuổi phối giống lần đầu thì dê cái được 15 tháng tuổi đạt trọng lượng 30 – 40 kg, dê đực 45 – 60 kg. Chu kỳ động đực 18 – 21 ngày. Thời gian mang thai 145 – 155 ngày. Dê cái đẻ lần đầu thường là 1 con, lần 2, 3 có thể là 2 – 3 con/lần đẻ (15 – 20% đàn). Trọng lượng sơ sinh 2 – 3,5 kg. Bình quân 1 dê được quản lý phối giống 25 – 30 cái.

 

Hiệu quả cao

Theo Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, dê Boer là loài động vật dễ nuôi, khá thuần tính, thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, thích hợp với chăn nuôi quy mô hộ gia đình, trang trại, tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi. Bên cạnh đó, dê là loài ăn tạp, gần như mọi lá cây, cỏ, chuối và tất cả các loại phụ phẩm nông nghiệp đều có thể tận dụng làm thức ăn, lại nhẹ công chăm sóc, ít bệnh tật, chỉ tốn chi phí làm chuồng và con giống ban đầu… Hơn nữa, chăn nuôi dê ít gặp rủi ro hơn chăn nuôi các loài động vật khác và có khả năng tăng đàn nhanh (2 lứa/năm).

Nhằm cải thiện chất lượng con giống, nâng chất lượng thịt cho đàn dê địa phương, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện mô hình nâng cao tầm vóc đàn dê Bách Thảo địa phương bằng giống dê Boer.

Kết quả, dê Boer đực có thể phối giống cho 20 – 30 con dê cái sinh sản thường xuyên, tỷ lệ khai thác tinh trùng cao 200 – 300 cc/ngày, nên có thể phối giống 2 – 3 dê cái trong 1 ngày với tỷ lệ thụ tinh cao. Đối với dê đực Boer có thể đạt trọng lượng tối đa khi trưởng thành 100 – 130 kg/con, khi sơ sinh đạt 3,5 – 4 kg/con, nuôi đến 3 tháng tuổi có thể đạt 25 – 27 kg/con, nếu nuôi theo hướng thịt thì dê Boer đực 35 kg có thể cho ra 23 – 25 kg thịt móc hàm. Hiệu quả của mô hình đem lại nhiều triển vọng và có thể nhân rộng, giúp người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát triển nâng cao tầm vóc đàn dê thương phẩm địa phương, cải thiện chất lượng con giống và nâng chất lượng thịt cho đàn dê địa phương, tăng thu nhập cho các hộ nông dân…

>> Dê Boer là giống ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao sinh sản nhanh. Bên cạnh đặc tính dễ dãi trong ăn uống và thuận lợi trong dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thì chúng còn là con vật dễ nhân đàn, phù hợp với những hộ ít vốn. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *