Hiện nay, đa số hộ dân trên địa bàn huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) chăn nuôi gà theo hình thức thả vườn, đầu tư thiếu khoa học, hộ nuôi nhỏ lẻ, áp dụng kỹ thuật còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực tế đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn người dân phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo quy trình an toàn sinh học.
Mô hình này đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít, chuyển sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, với số lượng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà thả vườn theo quy trình an toàn sinh học, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thái Bình, ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) khởi nghiệp từ nghề chăn nuôi gà đã được 12 năm, với quy mô mỗi lứa gà từ 1.000 con đến 2.000 con. Tuy nhiên, ông nuôi gà theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cuối tháng 6/2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, ông Bình đã bắt đầu thả nuôi trên diện tích vườn 5.000 mét vuông, với quy mô 1.000 con gà giống kiến Cao Khanh 3.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo quy trình an toàn sinh học của ông Nguyễn Thái Bình, ở xóm 2, thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ.
Ông Bình cho biết, trong quá trình thực hiện mô hình, ông được cán bộ kỹ thuật khuyến nông thường xuyên đến kiểm tra, theo dõi đàn gà; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh cho gà và các giải pháp để chăn nuôi đạt hiệu quả. Nhờ nuôi theo quy trình an toàn sinh học cùng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn gà phát triển tốt, an toàn dịch bệnh. Đến nay, sau hơn 3 tháng nuôi, trọng lượng gà trống đạt 3 kg/con, gà mái 2 kg/con. Hiện nay, ông Bình đang xuất bán với giá gà mái 75.000 đồng/kg, gà trống 67.000 đồng/kg. Tổng doanh thu khoảng 134 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 42 triệu đồng.
Mô hình trình diễn chăn nuôi gà thả vườn theo quy trình an toàn sinh học được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh triển khai thực hiện tại 3 hộ nông dân ở xã Tịnh Thọ, với quy mô 3.000 con gà giống. Gà giống đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Những nông dân được chọn tham gia mô hình đều đảm bảo các yêu cầu về chuồng trại, khả năng đầu tư. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giá trị con giống, 50% giá trị thức ăn, thuốc thú y theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời, được hỗ trợ khi có dịch bệnh xảy ra, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo quy trình an toàn sinh học. Qua đó, giúp nông dân nắm được phương pháp chăn nuôi, cách phòng bệnh cho gà và các giải pháp để chăn nuôi gà đạt kết quả cao.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ tham gia mô hình.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh Phạm Văn Tùng cho biết, sau 3 tháng thực hiện mô hình (từ ngày 23/6/2023 – 23/9/2023), các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt và vượt kế hoạch đề ra so với hợp đồng đã ký kết giữa trung tâm với hộ nông dân tham gia mô hình. Khối lượng gà xuất chuồng đạt 2 kg/con, cao hơn so với chỉ tiêu đề ra là 0,4 kg/con; hệ số tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng là 2,8 thấp hơn so với yêu cầu đề ra; tỷ lệ sống bình quân đạt 96% trở lên. Lợi nhuận mô hình mang lại từ 42 triệu đồng/hộ đến 45 triệu đồng/hộ.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đã tạo ra sản phẩm gia cầm sạch.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo quy trình an toàn sinh học được thực hiện theo hình thức nuôi quy mô gia trại vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, nên đã áp dụng được quy trình chặt chẽ, chuồng trại đảm bảo, sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Mô hình đã tạo ra sản phẩm gia cầm sạch, cung cấp sản phẩm có chất lượng cao cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong thời gian đến, huyện Sơn Tịnh có kế hoạch tiếp tục đầu tư mô hình phát triển chăn nuôi gà thả vườn theo quy mô gia trại vừa và nhỏ, an toàn dịch bệnh để nhân rộng mô hình cho các xã còn lại trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: TH.BẢO – K.CÚC
Nguồn: Báo Quảng Ngãi