Hiệu quả mô hình nuôi gà đen thương phẩm ở xã Mông Hoá

Gia đình chị Nguyễn Thị Lý ở xóm Dụ Phượng, xã Mông Hoá, TP Hoà Bình (Hòa Bình) là gia đình chính sách có 8 nhân khẩu, chủ yếu là người quá tuổi lao động và người chưa đến tuổi lao động. Nguồn thu nhập chính của gia đình dựa vào một suất lương làm việc tại công ty và chăn nuôi lợn, gà.

Tháng 8/2024, gia đình chị được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố hỗ trợ nuôi 180 con gà đen thương phẩm, từ nguồn Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài được hỗ trợ giống, gia đình chị còn được hỗ trợ 45 bao cám. Số cám này đủ cho đàn gà ăn đến lúc xuất chuồng. Chị Lý cho biết: Từ lâu tôi nghe nói giống gà đen thương phẩm có giá trị kinh tế cao nhưng không có tiền mua giống. Nay được hỗ trợ giống và cám nuôi gia đình rất mừng. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc tốt nên đàn gà lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Đến nay, đàn gà có trọng lượng trung bình từ 1,7 – 1,8 kg/con. Biết gia đình nuôi gà đen một số tiểu thương đã hỏi mua.

mô hình nuôi gà đen

Được chăm sóc tốt, đàn gà của gia đình chị Nguyễn Thị Lý, xóm Dụ Phượng, xã Mông Hoá (TP Hoà Bình) phát triển nhanh

Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng cùng ở xóm Dụ Phượng. Chị Hồng bị tàn tật nên nhiều năm nay chỉ ở nhà trồng rau và nuôi gà. Được dự án hỗ trợ chăn nuôi giống gà đen chị rất mừng. Sau 3 tháng đàn gà lớn nhanh, sắp được xuất chuồng.

Gần nhà chị Hồng là gia đình anh Bùi Văn Thái. Anh cũng bị tàn tật từ nhỏ, không có khả năng lao động nên ở nhà chăn nuôi và làm việc nhà. Do có kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm nên đàn gà đen được dự án hỗ trợ có tỷ lệ hao hụt ít. Gà được chăm sóc tốt, lớn nhanh. Ngoài gà đen anh còn nuôi thêm hơn 100 con gà thương phẩm để chuẩn bị bán dịp Tết Nguyên đán. Anh Thái cho biết: Gà đen vốn khỏe, sức đề kháng tốt, gia đình chăm sóc theo đúng hướng dẫn. Thời điểm gà còn nhỏ ngày nào tôi cũng cho ăn 3 bữa, thậm chí đêm cũng cho ăn, kết hợp kiểm tra nhiệt độ đảm bảo đủ ấm. Lúc gà ốm được cán bộ hướng dẫn xử lý triệt để tình trạng bệnh. Khi gà lớn hơn tôi cho ăn nhiều cám gạo, ngô kết hợp. Đàn gà lớn nhanh, tốc độ tăng trưởng gấp 2 – 3 lần so với gà được chăm sóc theo cách truyền thống, hiện đạt 1,7 – 1,8kg/con. Đây là giống gà có giá trị kinh tế cao. Biết tôi và một số hộ ở đây nuôi nhiều tiểu thương và nhà hàng đã đặt mua.

Đồng chí Nguyễn Văn Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Mông Hóa cho biết: Trong năm 2024, Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đầu tư cho xã mô hình nuôi gà đen thương phẩm. Đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo, gia đình chính sách và người tàn tật. Để triển khai hiệu quả mô hình, chúng tôi lựa chọn đúng đối tượng, hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà cho người dân, cung cấp sản phẩm thịt gà an toàn cho thị trường. Ngoài ra, mô hình là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho các hộ chăn nuôi khác. Qua đó tạo điều kiện cho nông dân, nhất là thanh niên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để làm giàu chính đáng. Trên cơ sở thành công của mô hình, thời gian tới xã Mông Hóa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình. Hy vọng với cách làm hiệu quả mô hình được lan tỏa, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Việt Lâm

Nguồn: Báo Hòa Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *