Giá heo hơi tiếp tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao. Nghịch lý này đang đẩy người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Chi phí tăng, giá bán giảm
Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và với mức tăng quá cao như hiện nay là nguyên nhân khiến người chăn nuôi khó ổn định sản xuất. Điều này dẫn đến khâu tái đàn, tăng đàn heo của người dân cũng trở nên khó khăn hơn, do chịu nhiều áp lực, rủi ro thua lỗ.
Chị Mai Thị Tuyết, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, buồn bã than: “Sau trận càn quét của bệnh dịch tả heo châu Phi, cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi tôi thường mua họ không bán gối đầu nữa, mà phải trả tiền liền. Giá thức ăn tăng quá nhiều đợt, nuôi heo mà thấy nản. Mấy tháng nay, heo hơi trên thị trường xuống rất thấp, heo đẹp họ mua chừng 50.000 đồng/kg. Đến lúc này tôi cũng không thể cầm cự nỗi. Còn bầy heo tơ, đợi kêu lái bán xong rồi nghỉ luôn, tìm con vật khác mà nuôi, may ra có lời chút đỉnh”.
Giá heo hơi xuất chuồng tiếp tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại tăng cao (ảnh tư liệu).
Sự mất cân đối giữa chi phí đầu tư và giá sản phẩm khiến người chăn nuôi heo chịu áp lực lớn. Bà Nguyễn Thị Sáu, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Ở nông thôn, ngoài công việc đồng áng thì chăn nuôi heo, gà, vịt đem về nguồn thu phụ giúp trang trải thêm cuộc sống hàng ngày. Nhưng đó là hồi xưa, chứ bây giờ chăn nuôi vừa lo dịch tả heo châu Phi quay lại, vừa đối mặt rủi ro thua lỗ vì chi phí tăng cao. 2 tháng nay, đàn heo trong chuồng vẫn chưa xuất bán được. Một phần vì giá rẻ, một phần vì dịch Covid-19 đi lại khó khăn nên lái họ ép thấp xuống hơn giá thị trường nên tôi không muốn bán vì lỗ”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán đồng loạt giảm khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên. Tháng 8 vừa qua, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh giữ mức rất thấp, trung bình khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg. Tuần đầu tháng 9, giá heo hơi chỉ còn khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg.
Đội thêm nhiều chi phí
Thức ăn gia súc, gia cầm liên tục tăng giá và với mức tăng quá cao là nguyên nhân khiến người chăn nuôi không thể ổn định sản xuất trong thời gian qua. Các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào tình cảnh khó khăn.
Chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm H.A, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết đầu năm tới nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhiều lần thông báo điều chỉnh tăng giá. Tính từ đầu năm tới nay đã qua khoảng 9 lần tăng. Chưa dừng lại ở đó, việc vận chuyển, giao nhận cũng chịu khó khăn chung do dịch bệnh. Các xe chở thức ăn chăn nuôi chỉ đi được tới chốt. Phía cửa hàng phải thuê xe, nhân công ra bốc dỡ về, phát sinh thêm một khoản chi phí vận chuyển nữa. Kinh doanh thời buổi dịch bệnh này khó khăn quá.
Theo ngành thống kê, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đến nay càng tăng mạnh. Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến là những người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Chưa dừng lại ở đó, khâu vận chuyển trong bối cảnh hiện nay cũng phát sinh nhiều chi phí. Thương lái Bùi Văn T., ở phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy, thông tin: “Chi phí chúng tôi đi thu mua heo trong dân hiện nay tăng cao. Nếu trước khi có dịch Covid-19, để thu mua, vận chuyển mỗi con heo tôi tốn khoảng 130.000 đồng thì mùa dịch tăng lên khoảng 200.000 đồng. Sau khi các xe vận chuyển về bãi tập kết, có thời điểm tôi phải thuê xe ba gác để chở heo về lò mổ, khâu này lại đội thêm một khoản tiền. Khó nhất là nhân công thuê mướn đi bắt heo giờ này không dễ kiếm, do khó khăn trong đi lại”.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi đang chịu rất nhiều ảnh hưởng. Giá đầu ra các sản phẩm bị giảm mạnh, vật tư đầu vào phục vụ chăn nuôi lại tăng nhanh. Trước tình hình này, người chăn nuôi, cơ sở kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo lượng gia súc, gia cầm cung ứng thời gian tới. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn khởi động chăn nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022.
Bài, ảnh: Kỳ Anh
Nguồn: Báo Hậu Giang