Theo kế hoạch của Đề án Nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai thực hiện xây dựng thí điểm mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, đơn vị đã chọn được 2 mô hình có nền tảng cơ bản để tiến hành hỗ trợ vốn lẫn kỹ thuật, góp phần đưa mô hình nâng cấp và thực hiện bài bản hơn, với quy mô lớn hơn.
Làm phân bón hữu cơ, khí đốt từ chất thải chăn nuôi; tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, phân bón định hướng thương mại để gia tăng giá trị nông sản, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Đây là mục tiêu và cách làm mà các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đã và đang hướng đến.
Chất thải không còn là nỗi lo
Nhiều năm trước, ông Lê Văn Phong, ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, luôn đau đầu vì mùi hôi lẫn cách xử lý chất thải từ mô hình nuôi heo của mình. Nguồn thu nhập chính của gia đình đều dựa vào đây nên ông đã suy nghĩ làm thế nào để phát triển bền vững với mô hình này. Thế là ông đi học tập, tham quan nhiều nơi và bắt đầu thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, thích ứng, hiệu quả, giảm thiểu tác hại đến môi trường.
Từ 1,7ha đất lúa của gia đình, ông chỉ sản xuất 2 vụ/năm, áp dụng quy trình 3 giảm 3 tăng để tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa. Ông trồng thêm dừa để tạo độ che phủ cho mảnh vườn rau của gia đình. Bên cạnh khu vực nuôi heo, ông Phong đã cải tạo hệ thống ao lắng, kết hợp nuôi cá trê lai. Ông Phong chia sẻ: “Chất thải từ nuôi heo rất lớn và ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng nếu không biết cách xử lý. Vì gia đình tôi nuôi số lượng heo khá lớn nên sức tải của hệ thống 4 bồn biogas khó giải quyết hết. Vì vậy, để cải thiện môi trường từ chất thải, tôi đã xây dựng 5 ao lắng, thả khoảng 200 con cá trê lai vào nuôi. Cá nuôi sẽ tận dụng lại nguồn nước thải để sinh trưởng và phát triển, vừa tăng thu nhập mà làm giảm mùi hôi, chất ô nhiễm cũng không bị thải ra trực tiếp bên ngoài mà được lắng lại, chỉ xả thải ra khu vực diện tích sản xuất của trang trại, tận dụng lại để trồng lúa, tưới rau, tưới dừa…”.
Mô hình chăn nuôi heo của ông Phong được khép kín, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường.
Trong mô hình của ông, đáng kể nhất là quy mô trang trại heo với 80 con nái và 400 con thịt mỗi năm đều được thực hiện khép kín. Ông Phong đã đầu tư hẳn hệ thống quy trình ứng dụng quạt hút cảm biến tự động, kiểm soát được nhiệt độ và ẩm độ trong suốt quá trình nuôi. Heo nái được nhốt riêng, nghe nhạc để dễ ngủ, tĩnh lặng, giúp tỷ lệ thụ tinh lúc nào cũng đạt trên 95%. Ở đây, dù thời tiết có biến động theo mùa nắng nóng hay mưa nhiều thì trại heo vẫn được ổn định với quy trình này. Bên cạnh trại heo, kho chứa thức ăn được ông Phong gắn thiết bị chiếu lazer hồng ngoại để khử khuẩn gây bệnh, đảm bảo an toàn trước khi được đưa vào trại heo. Ngoài ra, 2 nhân công được ông thuê túc trực chăm sóc, thụ tinh heo… trong khu vực trại, không hề tiếp xúc với người ngoài đã góp phần đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Vì thế mà mô hình của ông luôn bền vững, phát triển từ nhiều năm nay, dù bên ngoài dịch bệnh heo tai xanh hay dịch tả heo châu Phi có hoành hành dữ dội.
Ông Phong bày tỏ: “Từ khi chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại theo hình thức tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng quy trình khép kín và đảm bảo kiểm soát dịch bệnh mà tôi thấy bền vững, hiệu quả hơn. Vì vậy, tôi đã hướng đến mở rộng quy mô trang trại và mong muốn được áp dụng nhiều công nghệ khoa học tiên tiến để tạo ra nguồn thực phẩm chất lượng cao, an toàn và dồi dào, ổn định cho thị trường”.
Vì thế, thuận theo nhu cầu chính đáng, mô hình của ông Phong đã được địa phương lựa chọn để hỗ trợ, nâng nguồn vốn đầu tư lên 2,8ha và hoàn chỉnh mô hình khép kín. Theo phương án tham gia mô hình nông nghiệp tuần hoàn mà Đề án tỉnh hỗ trợ, ông Phong đã đề nghị được hạ trạm biến áp để đảm bảo nguồn điện áp phục vụ nhu cầu chăn nuôi với quy mô đàn heo thịt nâng lên thêm 500 con/năm. Ngoài ra, để giải quyết lượng sinh khối phân thải khá lớn của gần 1.000 con heo, ông Phong đã định hướng sẽ đầu tư 1 máy ép phân thành viên, làm phân bón, đóng gói để phục vụ cho nhu cầu bổ sung dinh dưỡng hữu cơ cho các vườn cây ăn trái trong địa phương. Đặc biệt hơn, máy ép phân được sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời đảm bảo luôn vận hành xuyên suốt để xử lý lượng chất thải ra mỗi ngày, hạn chế tiêu tốn điện năng từ nguồn điện tổng. Ước tính, mô hình sẽ mang về thu nhập mỗi năm lên đến 2 tỉ đồng.
Biến phế phẩm, phụ phẩm thành tiền
Đó là cách mà bà Lữ Thị Nhật Hằng, ở ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, thực hiện bên trong trang trại của mình. Quy trình tuần hoàn của mô hình này là lấy rơm trồng nấm, sau đó nuôi trùn quế, ủ thành phân và bón lại cho rau, lấy chất thải, phụ phẩm rau cho cá ăn. Hiện tại, trại đã xây dựng và đưa vào vận hành 2 nhà nấm với tổng diện tích 300 m2, được chia làm 9 phòng nhỏ, mỗi phòng có diện tích 33 m2. Bên trong các phòng nhỏ, các kệ nấm được chất thẳng tắp và gọn gàng, được xử lý đảm bảo cách khuẩn với bên ngoài. Với năng suất 20 kg/ngày/300 m2, giá bán 50.000 đồng/kg, doanh thu mô hình nấm rơm đã mang về cho trại 360 triệu đồng/năm, lãi gần 150 triệu đồng sau khi trừ khấu hao, chi phí đầu tư, nhân công.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp bà Nhật Hằng tận dụng tối đa chất thải của các mô hình khác.
Sau nấm rơm, phụ phẩm của nấm là rơm sẽ được tái sử dụng để ủ làm thức ăn vi sinh cho trùn quế trong trại trùn 1.000 m2. “Tôi đã phải sử dụng rơm cùng phối trộn với các nguyên liệu khác để ủ thức ăn cho trùn. Trung bình 100 m2 nhà trùn tiêu thụ 3 tấn thức ăn/tháng. Vì vậy, nguồn phân bò trong khu vực không đủ đáp ứng, tôi phải nhập thêm từ tỉnh khác để bổ sung. Sản phẩm trùn quế được bán tươi hoặc ủ lạnh để người tiêu dùng mua làm thức ăn cho cá hay bón bổ sung cho vườn cây ăn trái, vì sử dụng được nguồn dinh dưỡng rất quý”, bà Nhật Hằng thông tin.
Cùng với nguồn rơm, mô hình trang trại còn được tổ chức nuôi gà với quy mô hơn 200 m2, nhằm tận dụng nguồn phân gà làm thức ăn, tăng độ đạm, giúp tăng trưởng tốt cho trùn quế. Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt, trứng gà, vịt cũng đem về nguồn thức ăn và thu nhập khá cho mô hình, ước tính đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Cuối cùng, phụ phẩm thải ra từ phân trùn quế được trại tiếp tục tận dụng để trồng thêm mảng rau xanh, rau sạch, cỏ voi cho bò ăn. Sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà ủ hoại mục, mô rơm thải ra từ trồng nấm đã qua xử lý nên rau được sản xuất ra rất an toàn cho người sử dụng.
Bà Nhật Hằng thông tin: Năm qua, trang trại đã được đầu tư với tổng vốn là 2,5 tỉ đồng. Mô hình sản xuất tại trại theo chu trình khép kín thông qua các ứng dụng công nghệ – kỹ thuật, xử lý các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông sản; tạo ra sản phẩm an toàn, giảm lãng phí, giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường. Nhằm gia tăng thêm thu nhập cũng như đảm bảo đủ lượng phân bò để nuôi trùn quế, trại đã lên kế hoạch nuôi bò thịt 3B trong giai đoạn tiếp theo. Bò sẽ ăn thức ăn từ cỏ được trồng bằng phân rơm, sản phẩm của bò sẽ ủ lại nuôi trùn, rồi trùn làm thức ăn cho cá. Cứ như thế, mô hình sẽ liên tiếp thực hiện những vòng tuần hoàn, đem lại thu nhập ổn định cho trang trại mà không cần nhập thêm nguồn nguyên liệu phụ phẩm nào từ bên ngoài.
Và định hướng tới mục tiêu lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm nên bà Hằng cần số vốn để đầu tư thêm cho mô hình nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn của trại là hơn 1,75 tỉ đồng như việc hoàn thiện chuồng trại, xây dựng chuồng bò, nhà nuôi trùn quế, khu xử lý nước thải; bổ sung con giống, thức ăn cho gia cầm trong khoảng thời gian dài và đầu tư thêm hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, máy cắt cỏ, băm nhuyễn thức ăn, ép cám viên để đảm bảo nguồn thức ăn tươi sạch từ thiên nhiên cho bò. Và nếu mô hình được đầu tư bài bản, dự kiến doanh số trong vòng 10 năm tại trại sẽ hơn 28,1 tỉ đồng, tổng lợi nhuận gần 13,4 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chiến, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, đơn vị đã đến làm việc với 2 chủ trại để xem xét các điều kiện cần và đủ thiết lập hồ sơ, hỗ trợ xây dựng dự án mở rộng quy mô trang trại, hoàn chỉnh mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Hiện các phương án, hồ sơ đang được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp hoàn chỉnh dự thảo đề xuất với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh để hoàn chỉnh và trình lên tỉnh. Nếu các mô hình được chọn sẽ góp phần bổ sung nguồn cung ứng nông sản hữu cơ cho nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Đây là công trình nông nghiệp áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong quá trình sản xuất phù hợp với xu thế phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam và xu thế phát triển bền vững. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước về nguồn lương thực sạch, có nguồn gốc tự nhiên, giá trị kinh tế các sản phẩm của cơ sở sẽ ngày càng tăng trong tương lai.
Bài, ảnh: Trúc Linh
Nguồn: Báo Hậu Giang