Từ ngày 8/2/2024 đến nay, trên địa bàn xã Tùng Lộc (Can Lộc) có 26 con bò của 17 hộ tại 3 thôn Tây Hương, Đông Quang Trung và Tây Quang Trung bị bệnh với các biểu hiện: nổi u sần, sưng khớp, bỏ ăn và 2 con bò bị chết với trọng lượng 343 kg. Điều đáng nói, số bò bị bệnh trên đều chưa được tiêm vắc – xin phòng viêm da nổi cục.
Lãnh đạo UBND huyện Can Lộc kiểm tra công tác phòng chống viêm da nổi cục trên trâu bò tại xã Tùng Lộc.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cử cán bộ thú y đến tại hộ dân kiểm tra, xác minh thông tin và hướng dẫn địa phương thực hiện khẩn cấp các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Theo đó, mẫu xét nghiệm tại 2 hộ ở xã Tùng Lộc có bò bị bệnh cho kết quả dương tính với viêm da nổi cục.
Ông Nguyễn Chỉ Tùng – Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết: “Sau khi ghi nhận bệnh, chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy số bò chết đúng theo quy định. Cùng đó, cắm biển cảnh báo dịch bệnh, rắc hơn 1,5 tấn vôi bột và tiến hành phun hóa chất, tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt muỗi hằng ngày trên diện rộng. Cùng đó, địa phương thực hiện ký cam kết các hộ chăn nuôi không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tiến hành tiêm vắc – xin phòng dịch trên đàn gia súc theo quy định”.
Để khống chế dịch bệnh lây lan diện rộng, nhất là các xã lân cận như: Thuần Thiện, Thiên Lộc…, UBND huyện Can Lộc đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tăng cường phòng chống dịch; triển khai tiêm vắc xin phòng viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò. Ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chợ buôn bán trâu bò, cơ sở giết mổ gia súc; nếu có trâu, bò bị chết do nhiễm bệnh, ngay lập tức tiêu huỷ đúng quy trình và thực hiện nghiêm các biện pháp tiêu độc khử trùng; hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi chăm sóc, chữa trị gia súc mắc bệnh kịp thời, đảm bảo.
Tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên), từ ngày 4/2 đến nay có 2 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi (hiện vẫn chưa qua 21 ngày). Theo lãnh đạo xã, địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan. Địa phương tổ chức rà soát, nắm chắc biến động tổng đàn vật nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện sớm, xử lý dịch bệnh kịp thời; khẩn trương tổ chức tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm để bao vây, khống chế kịp thời dịch bệnh.
Huyện Cẩm Xuyên đẩy mạnh tiêm các loại vắc – xin phòng dịch trên đàn gia súc.
Ông Phan Thanh Nghi – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Tổng đàn trâu, bò toàn huyện hiện nay là 24.000 con, tổng đàn lợn là 54.000 con và tổng đàn gia cầm là 500.000 con. Thời tiết sau tết Nguyên đán, độ ẩm trong không khí cao làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm rất cao.
Để ngăn chặn dịch bệnh, chính quyền địa phương các cấp và ngành chuyên môn đã hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường nuôi, đảm bảo điều kiện chuồng trại. Đồng thời, theo dõi, kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch bệnh mới nếu có nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường; kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật trên địa bàn, kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm”.
Theo thống kê, toàn tỉnh có đàn trâu, bò ước đạt 240.000 con, đàn lợn 400.000 con và 10 triệu con gia cầm. Từ trước tết Nguyên đán, dịch viêm da nổi cục được phát hiện tại xã Tùng Lộc (Can Lộc) và dịch tả lợn châu Phi tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên). Đến nay, công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở các địa phương khá tốt, chưa làm lây lan sang các địa phương khác.
Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, các địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc các quy định, giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Theo đó, tăng cường công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép, mua bán, giết mổ gia súc mắc bệnh, vứt xác gia súc chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, tuyệt đối không giấu dịch; lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý kịp thời đối với gia súc, gia cầm mắc bệnh theo quy định; chuẩn bị điều kiện để triển khai tiêm vắc-xin phòng dịch cho đàn vật nuôi năm 2024.
Thu Phương
Nguồn: Báo Hà Tĩnh