Người chăn nuôi Lộc Hà (Hà Tĩnh) nỗ lực khắc phục khó khăn do dịch viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm gây ra để duy trì và phát triển đàn vật nuôi, góp phần ổn định sinh kế, tăng thu nhập.
Cách đây 5 tháng, khi dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò tại địa bàn vừa tạm lắng thì ông Mai Đình Tình (thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc) đã mua ngay 5 con bê lai giống 3B trị giá 130 triệu đồng về nuôi.
Để đàn bò an toàn, ngoài chăm sóc tốt thì gia đình ông Mai Đình Tình (xã Hồng Lộc) còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tạo khoảng cách giữa các chuồng nuôi và thực hiện tiêm phòng đầy đủ.
Nhờ làm tốt công tác phòng dịch, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tiền thức ăn (225 ngàn đồng/con/tháng theo Đề án thí điểm cải tạo và phát triển đàn bò của huyện Lộc Hà giai đoạn 2020 – 2023) và chăm sóc tốt nên hiện nay, đàn vật nuôi phát triển tốt, khỏe mạnh. Nếu thuận lợi, khoảng 3 – 4 tháng nữa là ông Tình có thể xuất chuồng với mức giá từ 45 – 50 triệu đồng/con.
Các thành viên HTX thanh niên Thượng Phú vừa thả thêm lứa bê lai 3B lên đến 15 con.
Với phương châm ổn định, phát triển sản xuất gắn với đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn vật nuôi, các thành viên HTX thanh niên thôn Thượng Phú (xã Hồng Lộc) đã tập trung khắc phục mọi khó khăn do dịch viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi gây ra để duy trì đều đặn 1.800 con lợn liên kết và phát triển đàn bò lên 34 con.
Đáng nói là, mặc dù đang trong giai đoạn ngành chăn nuôi gặp khó khăn về nhiều mặt nhưng HTX này vẫn mạnh dạn mở rộng chuồng trại, đầu tư kinh phí để nuôi mới lứa bê lai 3B lên đến 15 con.
Trên địa bàn xã Hồng Lộc hiện có khoảng 80 ngàn con gia cầm.
Ông Hồ Sỹ Liên – cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Hồng Lộc thông tin thêm: “Vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển chăn nuôi đã giúp xã Hồng Lộc duy trì được đàn trâu, bò 2.600 con (thuộc diện lớn nhất huyện), đàn lợn 4.500 con, đàn gia cầm 80.000 con”.
Người nuôi lợn quy mô nông hộ ở Lộc Hà tiếp tục tái đàn gắn với thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để kịp xuất bán vào dịp cuối năm.
Không chỉ Hồng Lộc mà ngành chăn nuôi ở 11/12 xã, thị trấn ở Lộc Hà (trừ xã Thạch Kim) đều đã trụ vững trong các đợt dịch viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm… xảy ra trong nhiều tháng qua. Nhiều địa phương phát triển mạnh chăn nuôi như: Hồng Lộc, Thạch Mỹ, Bình An, thị trấn Lộc Hà, Thịnh Lộc…
Nhiều hộ chăn nuôi ở các xã Bình An, Tân Lộc đang chú trọng nuôi vịt đàn để tăng thu nhập.
Dù ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi và dịch COVID-19, nhưng ngành chăn nuôi Lộc Hà vẫn cơ bản duy trì được sự ổn định so với năm trước. Toàn huyện hiện có gần 8.000 con trâu, bò, 10.000 con lợn, gần 200.000 con gà, gần 15.000 con vịt và đang có dấu hiệu tăng lên.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình hỗ trợ nuôi bò 3B ở xã Tân Lộc.
Ông Võ Tá Bình – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: Hiện nay, ngành chăn nuôi ở Lộc Hà đang có xu hướng “ấm” dần, bà con nông dân đã bắt đầu trở lại nhịp điệu sản xuất cũ. Thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ cùng chính quyền các cấp, người chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi dựa trên tinh thần đảm bảo an toàn dịch bệnh, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất, phù hợp với diễn biến của thị trường…
Lộc Hà là địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò (giữa tháng 12/2020), khiến 718 hộ chăn nuôi ở 11/12 xã, thị trấn bị ảnh hưởng. Tổng số bò mắc bệnh là 883 con, trong đó số bò, bê bị chết phải tiêu hủy 104 con, với trọng lượng 12.798 kg.
Cùng với một số đợt dịch cúm gia cầm thì vào đầu tháng 4/2021, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn huyện và có 7 địa phương bị ảnh hưởng với tổng số lợn chết, tiêu hủy là 330 con, tổng trọng lượng 23.626 kg.
Hiện nay, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi đều đã được khống chế.
Tiến Phúc
Nguồn: Báo Hà Tĩnh