Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm đứng ở tốp đầu cả nước. Do đó, vai trò của cán bộ thú y cơ sở rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng.
– Thời gian qua, vai trò của mạng lưới thú y cơ sở được thể hiện như thế nào, thưa ông?
– Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội phát triển mạnh, với 163.526 con trâu, bò; hơn 1,48 triệu con lợn; 41,5 triệu con gia cầm… Ngoài ra, còn có 1.029 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 587 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y… Thời gian qua, dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát và việc quản lý chặt chẽ các cửa hàng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi có sự đóng góp rất lớn của mạng lưới thú y cơ sở.
Đến nay, toàn thành phố có 389 cán bộ thú y phụ trách xã, thị trấn. Thực tế cho thấy, mạng lưới thú y cơ sở phát huy vai trò trong việc tham mưu chính quyền địa phương tổ chức, triển khai và quản lý tốt tình hình dịch bệnh, an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi.
Cùng với đó, thời gian qua, một số xã xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm, cán bộ thú y đã cùng các lực lượng chức năng địa phương tham gia tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm ngăn chặn vận chuyển lợn, gia cầm và các sản phẩm động vật ra vào vùng dịch…
Ngoài ra, công tác thống kê đàn gia súc, gia cầm, số lượng hộ chăn nuôi; triển khai công tác tiêm phòng; thực hiện tổng vệ sinh môi trường các đợt trong năm theo kế hoạch đều do lực lượng nhân viên chăn nuôi – thú y cấp xã đảm nhiệm…
Nhân viên thú y huyện Phúc Thọ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn bò. Ảnh: Hương Giang
– Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mạng lưới thú y cơ sở còn gặp khó khăn, vướng mắc như thế nào?
– Mạng lưới thú y cơ sở là “cánh tay” nối dài cho ngành Nông nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đàn vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn gặp không ít khó khăn, vất vả do đối tượng mà ngành chăn nuôi thú y phải thực hiện kiểm tra, giám sát, trực tiếp tham gia tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh là rất lớn.
Hà Nội hiện có 6.381 trang trại chăn nuôi (130 trang trại lớn, 1.593 trang trại vừa, 4.658 trang trại nhỏ); số hộ chăn nuôi của Hà Nội là trên 173.000 hộ, tỷ lệ chăn nuôi quy mô hộ vẫn chiếm 54,7%. Toàn thành phố có 726 cơ sở giết mổ (trong đó có 8 cơ sở giết mổ công nghiệp, 35 cơ sở bán công nghiệp; 683 cơ sở giết mổ thủ công); 587 cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc thú y; 1.029 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 137 kho bảo quản sản phẩm, 368 cơ sở sơ chế sản phẩm động vật; 339 cơ sở ấp nở trứng gia cầm…
Ngoài ra, hiện nay, một số cán bộ thú y cơ sở chưa thật sự tâm huyết, gắn bó với nghề, thụ động trong công việc, thiếu rèn luyện nâng cao tay nghề làm ảnh hưởng đến kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và giám sát giết mổ gia súc, gia cầm.
– Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vào dịp cuối năm nay, theo ông cần có những giải pháp gì giúp mạng lưới thú y cơ sở phát huy hiệu quả?
– Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường cuối năm sắp tới; trong khi dự báo dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt như: Bệnh cúm gia cầm; tai xanh, lở mồm long móng, bệnh Dịch tả lợn châu Phi… Thực tế này đòi hỏi cán bộ thú y cơ sở phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội sẽ đề xuất với Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu cho thành phố tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về thù lao cho mạng lưới thú y cơ sở để họ yên tâm công tác. Đồng thời, mở các lớp nâng cao năng lực chuyên môn; tăng cường đầu tư trang thiết bị chuyên ngành để mạng lưới thú y cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi theo định hướng của thành phố tại Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 22-10-2022. Đặc biệt là tham mưu đề xuất với ngành Nông nghiệp và thành phố để trình HĐND thành phố xem xét để nhân viên chăn nuôi – thú y cấp xã được hưởng chế độ đầy đủ của chức danh không chuyên trách.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới