(Người Chăn Nuôi) – UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Công văn dẫn thông tin từ Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 3 ca mắc cúm A/H5N1 và cả 3 đều tử vong. Tại Việt Nam, đã xuất hiện 6 ổ dịch cúm gia cầm tại các tỉnh Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang và Long An.
Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lan rộng, UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố làm đầu mối theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế, đồng thời tham mưu kịp thời cho Sở Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch.
Hà Nội tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ảnh: ST
CDC cũng phải tăng cường giám sát tại cộng đồng, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao như người tham gia giết mổ, buôn bán gia cầm sống, người từng đến vùng có dịch. Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ cần được lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán sớm và xử lý triệt để nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Bên cạnh đó, việc giám sát chặt chẽ các ca viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng nghi do virus, hội chứng cúm tại các cơ sở y tế cũng được đặc biệt nhấn mạnh, nhằm phát hiện sớm các chủng cúm độc lực cao như A/H5N1, A/H7N9…
CDC Hà Nội phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y để theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cũng như các loại dịch có khả năng lây từ động vật sang người. Sự phối hợp này đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng các phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.
Không chỉ tăng cường giám sát, ngành y tế Thủ đô cũng yêu cầu chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Công tác truyền thông hướng dẫn người dân cách phòng tránh cúm gia cầm lây sang người cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cùng với đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã ưu tiên bố trí nguồn lực, kinh phí để chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, tăng cường giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo kế hoạch, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới phát sinh, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn trong diện tiêm.
Giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán động vật và các sản phẩm nguồn gốc từ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vaccine và lợi ích của việc tiêm đầy đủ để phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi.
Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương. Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố, trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, hướng dẫn xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đôn đốc, kiểm tra các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn Thành phố đã được phê duyệt.
Sở Y tế căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, hướng dẫn, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa người và động vật.
Sở Công Thương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường và các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý thị trường, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Công an thành phố Hà Nội căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, các Sở, ban ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã và trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.
Minh Khuê