Ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều nông hộ, hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội đã bắt tay vào vụ nuôi mới. Tuy nhiên, với phương châm vừa sản xuất vừa nghe ngóng thị trường, họ khá thận trọng, không tái đàn ồ ạt trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Sẵn sàng tái đàn
Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, thời điểm hiện tại, cùng với duy trì chăn nuôi gối lứa để đảm bảo doanh thu, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn TP đang tập trung vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị con giống vào vụ nuôi mới bảo đảm nguồn cung thực phẩm ra thị trường.
Chia sẻ niềm vui khi lứa gà mới xuất chuồng được giá, anh Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trang trại đã bán được 3.000 con gà thương phẩm với giá ổn định hơn 100.000 đồng/kg. Ngay sau khi xuất bán, trang trại đã tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, rắc vôi bột và khử trùng chuồng trại.
Hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên trang trại sẽ không tăng đàn ồ ạt mà dự kiến thời điểm sang tháng 3/2023 để tái đàn. Để đảm bảo doanh thu và hoạt động của trang trại, anh Hiển đang duy trì 10.000 gà bố mẹ để bán trứng thương phẩm và phục vụ ấp bán gà giống cung ứng cho thị trường Hà Nội cùng các tỉnh lân cận.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm, ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), với quy mô chăn nuôi lợn 100 lợn nái và 600 lợn thịt/lứa, cùng 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng với tổng đàn 40.000 con, trang trại của gia đình cho doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm.
“Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trang trại đã bán ra thị trường hơn 300 con lợn thương phẩm với giá 52.000 đồng/kg. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nhưng gia đình tôi vẫn lên kế hoạch cho việc tái đàn, ổn định quy mô chăn nuôi sau Tết cũng như tạo việc làm ổn định cho người lao động.” – ông Nguyễn Văn Lâm cho hay.
Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2023, dự báo ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 tác động kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi năm 2023. Bên cạnh đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Mặt khác, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.
Chủ động thức ăn chăn nuôi để tăng lợi nhuận
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, những tháng đầu năm, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi, sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm nên rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Vì vậy, bên cạnh việc tiêm phòng đầy đủ vaccine; vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; lựa chọn con giống bảo đảm chất lượng, các hợp tác xã, hộ chăn nuôi cần chú trọng cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, khoáng chất và sử dụng đèn để sưởi ấm cho đàn vật nuôi.
Thông tin về định hướng chăn nuôi của Hà Nội, Phó Giám Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã quy hoạch chăn nuôi theo vùng, ứng dụng công nghệ cao, gắn với sơ chế, chế biến sâu; tập trung sản xuất con giống và hợp tác chăn nuôi thương phẩm với các tỉnh, TP; đồng thời thu hút các DN đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ.
Cùng với đó, TP đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi giá trị bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh; tập trung giải pháp tổ chức sản xuất bắt đầu từ các DN sản xuất thức ăn, chế biến trong chăn nuôi.
Theo ông Tạ Văn Tường, hiện nay các hộ chăn nuôi đang bước vào vụ sản xuất mới, các huyện, thị xã cần chủ động bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, người chăn nuôi. Song song đó, tập trung vào công tác khuyến nông đối với vật nuôi có năng suất và chất lượng cao như bò sữa, lợn hướng nạc, gia cầm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng tại các khu đô thị, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học…
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành tăng cường kênh theo dõi diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới để có khuyến cáo kịp thời tới người chăn nuôi.
Về phía các hộ chăn nuôi, hợp tác xã, cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, nguồn phụ phẩm nông nghiệp để tự phối trộn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Từ đó, chủ động một phần thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
>> Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, toàn TP có tổng đàn trâu, bò sinh sản khoảng 82.500 con; trâu, bò thịt hơn 84.600 con; đàn bò sữa hơn 16.500 con; đàn lợn 1,64 triệu con; đàn gia cầm hơn 42 triệu con
Ngọc Ánh
Nguồn: Kinh tế Đô thị