“Người tiêu dùng hiện nay có nhiều lựa chọn về thực phẩm. Chính vì vậy, nếu không “làm thật” thì sẽ rất dễ bị đào thải khỏi thị trường…” – chị Nguyễn Thị Thu Thoan, chủ của một trong những trang trại chăn nuôi gà thịt theo hướng vi sinh đầu tiên của Hà Nội chia sẻ.
Ghé thăm trang trại của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không cảm thấy mùi hôi giống như nhiều khu vực chăn nuôi gia cầm khác từng biết đến. Điều này theo chị Thoan là nhờ việc sử dụng thức ăn ủ men vi sinh và đệm lót sinh học.
Thịt gà vi sinh của trang trại chị Nguyễn Thị Thu Thoan được sơ chế, đóng gói và có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR code. Ảnh: Trọng Tùng.
Nguồn thức ăn vi sinh do chị Thoan tự nghiên cứu phối trộn, với thành phần chủ yếu là các loại cám gạo, bột ngô, bã đậu tương… Nguyên liệu được phối trộn cùng với men vi sinh và ủ trong nhiều giờ trước khi thành phẩm. “Gà được nuôi bằng cám ủ men vi sinh giúp tiêu hóa tốt, hấp thụ hiệu quả dinh dưỡng, phát triển nhanh và có độ đồng đều cao. Đặc biệt là giảm thiểu đáng kể nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi…” – chị Thoan cho biết thêm.
Việc sử dụng thức ăn ủ men vi sinh giúp phân gà ít bị hôi. Cùng với đó, chị Thoan còn sử dụng thêm đệm lót sinh học cho chuồng trại. Không chỉ bảo đảm yếu tố về môi trường, việc sử dụng đệm lót còn giúp tận dụng được nguồn phế phẩm chăn nuôi. Hàng năm, trang trại của chị Thoan cung cấp cho thị trường 70 tấn phân bón hữu cơ vi sinh.
Hiệu quả của mô hình đang thể hiện rất rõ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất của nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm, hoạt động tại trang trại của gia đình chị Thoan vẫn duy trì ổn định. Hiện, trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con. Giá bán cao hơn so với gà thương phẩm chăn nuôi theo phương thức truyền thống. Thậm chí nhiều thời điểm, trang trại không có đủ sản phẩm để tiêu thụ.
Không chỉ bảo đảm chất lượng gà thương phẩm, hiện nay chị Thoan và gia đình đã xây dựng quy trình sơ chế, đóng gói khép kín từ nông trại đến bàn ăn. Sản phẩm thịt gà hút chân không đã có bao bì, nhãn mác. Người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc.
Với sự hỗ trợ của UBND huyện Sóc Sơn, hiện, chị Thoan đang xây dựng thương hiệu “Gà vi sinh Thu Thoan”. Đồng thời, thí điểm mở rộng liên kết với một số nông hộ để gia tăng tổng đàn vật nuôi trên cơ sở chú trọng chất lượng. Sở dĩ vậy, theo chị Thoan là bởi người tiêu dùng hiện nay rất thông thái, cũng có nhiều lựa chọn tiếp cận thực phẩm, nếu không “làm thật” thì rất dễ bị đào thải khỏi thị trường.
Trọng Tùng
Nguồn: Kinh tế Đô thị