Hà Nội: Gỡ khó cho tiêu thụ, lưu thông nông sản mùa dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, ngành nông nghiệp đang vào cuộc quyết liệt hỗ trợ DN, hợp tác xã, nông dân khơi thông việc tiêu thụ, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản trên địa bàn TP.

Ổn định nguồn cung nông sản

Thời điểm hiện tại, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP vẫn được duy trì ổn định. Nông nghiệp Hà Nội có khả năng tự cung ứng hằng tháng 56.338 tấn gạo, đáp ứng 57,8% nhu cầu tiêu dùng; 17.500 tấn thịt lợn hơi, đáp ứng 92,6% nhu cầu; 67.299 tấn rau củ quả, đáp ứng 64% nhu cầu…

Ngoài nguồn cung nông sản, thực phẩm tại chỗ, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội, để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân Thủ đô. Thực tế trong những ngày TP thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, nông sản, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích… khá dồi dào và ổn định về giá cả.

Có được kết quả này là nhờ sự chủ động điều hành của TP, Sở NN&PTNT trong sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cộng đồng DN, các hợp tác xã, từng người nông dân cũng nỗ lực vượt khó, thực hiện nghiêm những quy định về phòng dịch nên sản xuất không bị ngưng trệ.

gà sóc sơn

Chăn nuôi gà đồi thương phẩm tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Ánh

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành chia sẻ, trước những khó khăn của hộ sản xuất trên địa bàn về khâu tiêu thụ và lưu thông hàng hóa, Hội đã kiến nghị Sở NN&PTNT, Sở Công Thương Hà Nội sớm tham mưu UBND TP cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, con giống từ Hà Nội đi các tỉnh, TP và ngược lại để tránh đứt gãy sản xuất, kinh doanh.Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, do dịch Covid-19 có xu hướng lan rộng tại nhiều tỉnh, TP không chỉ tác động trực tiếp đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, lưu thông thức ăn chăn nuôi, hóa chất, phân bón… Do vậy, dự báo vẫn còn rất nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp Thủ đô trong duy trì ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

Chủ động, kịp thời nhiều giải pháp

Trong bối cảnh dịch bệnh khó lường như hiện nay, việc tự cung ứng đủ nguồn lương thực, thực phẩm cho TP đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, cùng với linh hoạt rải vụ thu hoạch để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành nông nghiệp đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương xây dựng những kịch bản phòng, chống dịch ở nhiều cấp độ để tổ chức sản xuất phù hợp trong từng thời điểm.

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát thực phẩm từ khâu sản xuất và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giữ nguồn cung ổn định cho thị trường. Đồng thời có phương án cụ thể về thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ để giải quyết tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ, đặc biệt với những nơi phải thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dây chuyền chế biến gà công nghiệp của Công ty CP Ba Huân. Ảnh: Ngọc Ánh

Đáng mừng là, đến thời điểm này, các hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, trong đó có nguyên liệu, vật tư cho sản xuất nông nghiệp đã được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ ách tắc trong khâu vận chuyển, lưu thông. Dù vậy, các DN, hợp tác xã, nông dân… cần nắm chắc các quy định trong phòng, chống dịch, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để việc vận chuyển hàng hóa không bị ùn ứ vì thiếu những thủ tục cần thiết.Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, những ngày qua, Sở cũng đã kịp thời tiếp nhận phản ánh của các DN, hiệp hội về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển, lưu thông thực phẩm, vật tư nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Sở đã kiến nghị bổ sung, làm rõ danh mục hàng hóa thiết yếu bao gồm các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản. Đồng thời, cập nhật, tổng hợp danh sách các đơn vị, DN đăng ký hoạt động vận tải thực phẩm, nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp gửi Sở Giao thông vận tải để kịp thời đăng ký được mã luồng xanh vận tải hàng hóa.

Đề nghị Bộ NN&PTNT cập nhật kiến nghị của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ giải quyết những nhu cầu chính đáng trong điều kiện xảy ra dịch Covid-19 như: Phương án cấp mã nhận diện kiểm tra phương tiện vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển các nhóm thực phẩm tươi sống, mau hỏng và các nhóm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất (con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón… ) bảo đảm nhanh nhất và thông suốt trên địa bàn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *