(Người Chăn Nuôi) – Theo số liệu báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm, thủy sản đứng thứ 2 trong cả nước, chiếm hơn 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp.
Tính đến hết tháng 11, số lượng đàn gia súc trên địa bàn thành phố là khoảng 29.600 con trâu (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023); 124.080 con bò (giảm 2,4%); đàn lợn 1.490.000 con (tăng 1,7%); đàn gà 28,37 triệu con (tăng 1,8%); đàn thủy cầm vịt, ngan, ngỗng 8,1 triệu con (tăng 2,2%).
Nông dân làm việc tại nông trại bò sữa Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: ST
Đối với sản lượng chăn nuôi, thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 2.134 tấn (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023); thịt bò hơi xuất chuồng 10.595 tấn (giảm 0,8%); thịt lợn hơi xuất chuồng 262.418 tấn (tăng 3,46%); thịt gà 35.189 tấn (giảm 4,9%); trứng gà 1.234 triệu quả (tăng 3,38%), trứng vịt 1.013 triệu quả (tăng 6%).
Đáng chú ý, đàn bò sữa tập trung phát triển ở các huyện như Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Gia Lâm và các hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, toàn bộ đàn bò sữa đều được thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò sữa cao sản.
Nhằm nâng cao sản lượng sữa và chất lượng bê cái, những năm qua, Hà Nội đã triển khai thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính. Giá bán của bê sữa sinh ra từ tinh phân ly giới tính thường cao hơn bê khác từ 6 – 8 triệu đồng/con. Bò sữa cái cho sản lượng sữa mỗi lứa trung bình 5.600 kg/con/chu kỳ, cao hơn 600 kg/con/chu kỳ so với bò sữa. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái trong diện sinh sản hiện nay đạt 80%, tỷ lệ đàn bò cái nhóm Zebu trên địa bàn thành phố đạt hơn 92%.
Nhiều nơi đã sử dụng tinh giống bò Wagyu để cải tạo chất lượng thịt của đàn bò Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 10.000 con bò F1 Wagyu được sinh ra. Điểm nổi bật của bò F1 Wagyu so với các giống khác là chất lượng thịt ngon, thịt có mỡ dắt, mỡ màu trắng không gây mùi hôi,…
Ngành nông nghiệp Thủ đô đã và đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2025. Sau hơn 2 năm triển khai, đã từng bước góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp Hà Nội nói chung và chăn nuôi Hà Nội nói riêng. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc triển khai kế hoạch còn giúp nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ thú y tại cơ sở.
Về điều này, ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) chia sẻ thêm: Trung tâm được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn cho 7.500 tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò, nuôi trồng thủy sản về công tác giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng… trong sản xuất chăn nuôi bò và thủy sản. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo mới cho 30 dẫn tinh viên cơ sở cho người lao động có trình độ trung cấp chăn nuôi thú y hoặc thú y về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò gồm cả lý thuyết và thực hành. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ hành nghề để thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho đàn bò trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi (bò thịt, bò sữa) trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2021 – 2024 tổ chức ngày 27/12/2024, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh: “Thành phố xác định, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đóng vai trò là nguồn cung cấp thịt, cá cho con người, đồng thời là nguồn cung cấp phân bón chất lượng cho canh tác hữu cơ. Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đào tạo, tập huấn kỹ thuật, giúp người chăn nuôi tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập”.
Theo đó, hướng chăn nuôi của Hà Nội là phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sinh thái, hữu cơ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật; xây dựng chuỗi giá trị, kết nối phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gắn với định hướng phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm.
Cùng với đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; áp dụng các giải pháp xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)