Từ đầu năm đến nay, nhờ tăng cường các biện pháp phòng, chống nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội cơ bản được khống chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, người dân tái đàn vật nuôi. Việc này sẽ giúp bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường các tháng cuối năm.
Theo ông Đặng Văn Hộp ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), trang trại đang chăn nuôi khoảng 1.000 con. Để phòng, chống dịch bệnh, trước khi nuôi, trang trại đã tổng vệ sinh môi trường xung quanh, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo đúng khuyến cáo của cơ quan thú y.
Còn theo ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa), nhờ chăn nuôi chuồng trại theo hướng khép kín, nên hầu như dịch bệnh không xảy ra. Tuy nhiên, do trên địa bàn xã vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Do đó, trang trại phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn huyện Phú Xuyên
Đánh giá về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đến nay, các bệnh tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc; cúm gia cầm; bệnh viêm da nổi cục, bệnh Dịch tả lợn châu Phi… cơ bản ổn định.
Để giám sát dịch bệnh, Chi cục chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Ngoài ra, Công ty Amavet đã hỗ trợ 1.000 liều vắc xin bệnh viêm da nổi cục (Lumpyvac) để tiêm phòng bao vây cho đàn trâu, bò tại ổ dịch huyện Phú Xuyên, số trâu, bò được tiêm là 992 con.
Đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, nhưng theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ nay đến cuối năm, nguy cơ tái phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rất cao do ảnh hưởng của thời tiết; các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra nhỏ lẻ và hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm thương phẩm, trong đó, tổng đàn gia cầm thương phẩm toàn thành phố chiếm tỷ lệ cao (gần 60% tổng đàn); chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế.
Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, theo Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ Hoàng Lê Đại Thắng, Chương Mỹ là địa phương có tổng đàn gia súc gia cầm lớn với tổng đàn lợn có 201.500 con; đàn trâu, bò có 14.580 con; đàn gia cầm hơn 6,1 triệu con. Từ nay đến cuối năm, Trạm tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh phun tiêu độc, khử trùng môi trường đúng thời gian, đúng quy trình kỹ thuật; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc xuất/nhập gia súc, gia cầm trên địa bàn, phát hiện và xử lý nhanh, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các huyện, thị xã hướng dẫn người dân triển khai tiêm phòng vụ thu đông và các tháng cuối năm theo kế hoạch, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn trở lên; đồng thời, lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đợt 2 năm 2021 để đánh giá hiệu quả tiêm phòng; giám sát lưu hành vi rút; triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm, báo cáo, khoanh vùng và xử lý kịp thời khi có ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới