(Người Chăn Nuôi) – Thời gian qua, hoạt động chăn nuôi của Hà Nội cơ bản thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm.
Nhờ công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ và hiệu quả nên ngành chăn nuôi thành phố Hà Nội tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, đảm bảo an toàn sinh học.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố luôn bám sát diễn biến thị trường để có kế hoạch tái đàn phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô đặc biệt là sau dịp Tết.
Đến nay, đàn trâu có 28.800 con, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2024; đàn bò 119.000 con, giảm 3,7%; đàn lợn 1,25 triệu con, giảm 1,7%. Đáng chú ý, đàn gia cầm 35,8 triệu con, tăng 0,6% (riêng đàn gà 27 triệu con, tăng 0,4%). Sự tăng trưởng nhẹ nhưng bền vững của đàn gia cầm cho thấy tín hiệu tích cực, phản ánh sự linh hoạt và thích ứng của người chăn nuôi trước diễn biến thị trường.
Số lượng gia súc, gia cầm của Hà Nội so với cùng kỳ năm trước tính đến ngày 28/4/2025. Nguồn: Chi cục Thống kê Hà Nội
Hiện tại, Hà Nội có 29 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi trâu, bò; 2 cơ sở chăn nuôi dê, 10 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, 12/12 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) đã được Cục Chăn nuôi và Thú y cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh dại động vật.
Hà Nội đang mở rộng không gian quy hoạch phát triển đô thị, dẫn đến diện tích đất dành cho nông nghiệp và chăn nuôi ngày càng thu hẹp. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm cho hơn 10 triệu dân và góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Ước tính, sản lượng thịt các loại của Hà Nội đạt hơn 70.000 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Thủ đô. Tuy vậy, do nhu cầu thị hiếu đa dạng, chất lượng cao, nên thị trường Hà Nội vẫn tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm là đặc sản vùng miền và các sản phẩm thịt nhập khẩu. Đồng thời, Hà Nội cũng xuất lượng lớn các sản phẩm chế biến từ thịt, con giống đi nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc và cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, theo hướng hàng hóa. Trong đó, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ, bảo tồn giống bản địa. Thúc đẩy phát triển, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng, nhất là chăn nuôi lợn…
Thực hiện Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội về “Hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố”, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh từng địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Minh Khuê