Sau một thời gian dài tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng, thời điểm hiện tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đang tăng cao của người dân Thủ đô. Cùng với việc tăng công suất giết mổ, vấn đề đặt ra lúc này là các cơ quan chức năng, doanh nghiệp… phải triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh.
Tăng công suất, bảo đảm nhu cầu thị trường
Hiện tại, dù các bếp ăn tập thể thuộc khối trường học chưa hoạt động, nhưng các khách sạn, nhà hàng ăn uống đã mở cửa trở lại nên nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng thực phẩm tăng cao. Dự kiến những ngày cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng 15 – 20%… Để đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho thị trường, các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại.
Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan thông tin: Lò giết mổ của công ty đã hoạt động trở lại, mỗi ngày cung ứng ra thị trường 10 – 15 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…). Ngoài việc liên kết với Công ty Ngôi Sao Xanh để đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị Metro, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ vận chuyển, giao sản phẩm cho khách hàng. Sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Bùi Quang Vinh cho biết: Dù nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đã tăng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng giá thịt lợn trên thị trường giảm mạnh nên trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 100 tấn thịt lợn để cung cấp cho các siêu thị và dự trữ một phần nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường khi nhu cầu tăng cao…
Thời điểm hiện tại, 732 cơ sở, hộ giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đã hoạt động trở lại. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với các cơ sở giết mổ là công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, hằng ngày có hàng trăm người làm việc và tiểu thương có mặt ở các cơ sở giết mổ lớn như:
Vạn Phúc (Thanh Trì), Minh Hiền (Thanh Oai)…, dịp giáp Tết Nguyên đán con số này lên tới cả nghìn người… “Chưa kể, thành phố vẫn còn 673 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công thường hoạt động vào ban đêm gây không ít khó khăn cho việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm cũng như kiểm soát việc đi lại của tiểu thương…” – ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm.
Đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh
Để kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một cơ sở giết mổ ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) cho hay, trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ khoảng 1.600-1.700 con lợn, vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán có thể tăng lên hơn 2.000 con. Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc và dịch Covid-19, cùng với việc tăng cường kiểm soát nguồn gốc lợn đưa vào lò mổ, cơ sở đã yêu cầu các tiểu thương đến lấy thịt phải đeo khẩu trang, sát khuẩn và khai báo y tế theo quy định…
Còn Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho biết: Trạm sẽ phối hợp với các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở giết mổ triển khai đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ; ngăn chặn các loại gia súc, gia cầm không đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh đưa vào lò mổ.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tại lò mổ; các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố sẽ hoạt động 24/24 giờ để ngăn chặn việc vận chuyển, lưu thông gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc đến cơ sở giết mổ. Đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng tại cơ sở giết mổ sử dụng bảo hộ lao động, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ở mọi lúc, mọi nơi.
"Mặt khác, các địa phương cần tập trung triển khai giải pháp thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, công nghệ cao tại địa điểm đã được quy hoạch (theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố Hà Nội). Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung để giảm nhanh cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trên địa bàn" – ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Triển khai đồng bộ các giải pháp cùng sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, chủ cơ sở, chắc chắn hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới