Chăn nuôi của Hà Nam những năm qua luôn giữ ổn định, chiếm hơn 57% tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp. Tổng đàn lợn ổn định ở mức 360 – 380 nghìn con; đàn gia cầm trên 8 triệu con; đàn trâu, bò hơn 37 nghìn con… Chăn nuôi từng bước chuyển đổi theo hướng tăng quy mô trang trại, giảm nuôi trong nông hộ nhỏ lẻ.
Cả tỉnh hiện có gần 1.200 trang trại chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gồm: 240 trang trại ứng dụng đồng bộ (con giống năng suất cao, chuồng kín, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sát trùng và xử lý môi trường…), khoảng hơn 950 trang trại áp dụng một phần quy trình công nghệ vào chăn nuôi. Trong đó, 4 trang trại chăn nuôi lợn được chứng nhận VietGAP, 12 trang trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 1 trang trại chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để chăn nuôi phát triển bền vững, nhất là phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường cần thiết phải đẩy mạnh áp dụng theo hướng an toàn sinh học. Những năm qua, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, trong đó có phương pháp an toàn sinh học cho người dân.
Mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Tượng Lĩnh, Kim Bảng).
Trang trại của anh Nguyễn Tiến Đạt (xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý) có quy mô 80 – 120 con lợn nái. Toàn bộ số lượng lợn giống được anh Đạt chuyển sang nuôi lợn thịt theo quy trình khép kín (từ nuôi lợn nái, sản xuất lợn giống, đến nuôi lợn thịt cung cấp ra thị trường). Từ năm 2020, tham gia Đề án “Phát triển đàn lợn nái áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo phục vụ tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 – 2022”, anh Đạt được tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học. Qua đó, anh áp dụng đầy đủ kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi giúp kiểm soát tốt môi trường, dịch bệnh, tăng năng suất trong chăn nuôi lợn nái.
Cụ thể, số lợn cai sữa/con nái/lứa đạt tối thiểu 11 – 12 con (tăng gấp 2 lần so với trước). Đối với nuôi lợn thịt, hạn chế việc tiêu tốn thức ăn, những bệnh thông thường của lợn được kiểm soát tốt, tăng trọng cao hơn trước từ 5 – 10%. Theo anh Đạt, áp dụng phương pháp an toàn sinh học đã thay đổi hẳn cách làm, quy trình chăn nuôi trong trang trại của gia đình. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, trang trại chưa bị các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập, nhất là dịch tả lợn châu Phi.
Trang trại của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) có diện tích 1,2 ha. Trên diện tích này, gia đình chị xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt có quy mô 40 nái, 400 lợn thịt; đồng thời, chị nuôi khoảng 10.000 vịt thịt theo hướng công nghiệp. Áp dụng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, chị Thúy đã cải tạo hệ thống chuồng trại, như: Làm mới hệ thống cấp nước uống cho lợn, cải tạo máng ăn cho lợn hợp vệ sinh, bổ sung hệ thống làm mát chuồng trại, làm nơi vệ sinh, khử trùng thiết bị chăn nuôi; khay khử trùng ở cửa ra vào mỗi ô chuồng, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp vệ sinh toàn bộ khu trang trại; bổ sung quy trình chăn nuôi, lịch tiêm vắc – xin phòng bệnh; làm nội quy kiểm soát ra vào chuồng trại chăn nuôi… Môi trường xung quanh các khu chuồng được chị Thúy thường xuyên rải vôi bột khử trùng, ngăn ngừa dịch bệnh.
Chị Thúy chia sẻ: Từ khi áp dụng phương pháp an toàn sinh học chăn nuôi trong trang trại đã hạn chế tối đa dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Chỉ riêng lợn thịt tăng trọng từ 3 – 5 kg/con/lứa so với trước đây. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học giúp người chăn nuôi yên tâm duy trì và phát triển đàn.
Kết quả thực tế từ những mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho thấy đây là biện pháp hiệu quả và cần thiết được nhân rộng áp dụng. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn không ít những hạn chế. Theo đó, mặc dù chăn nuôi đang phát triển theo hướng tập trung nhưng vẫn còn không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư rất khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
Với những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát nguồn con giống, do phần lớn được mua ngoài thị trường tự do. Sản phẩm gia súc, gia cầm của tỉnh vẫn chủ yếu bán trên thị trường tự do, dẫn đến giá cả bấp bênh, tác động đến tư tưởng của người dân trong việc đầu tư cho chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Một số hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn nên không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào (ngô, cám gạo, đậu tương…). Hầu hết các hộ chăn nuôi không làm hố khử trùng trước cổng vào chuồng trại, hoặc nếu có hóa chất cũng để tồn lưu nhiều ngày không thay rửa…
Một vấn đề nữa, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn năng lực không đồng đều, chưa sâu về kỹ thuật an toàn sinh học nên việc hướng dẫn người dân trong quá trình chăn nuôi còn hạn chế.
Để chăn nuôi an toàn sinh học thực sự phát huy hiệu quả, cần từng bước giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả. Theo đó, xây dựng một số mô hình điểm về an toàn sinh học trong chăn nuôi ở các đối tượng vật nuôi khác nhau để người dân có thể tham quan, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về an toàn sinh học nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi chuyên nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi như: công nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học, tự động hóa trong chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh… Áp dụng rộng rãi công nghệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản và lợn; tiếp tục chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm.
Ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, các chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi… Làm tốt những giải pháp đề ra giúp chăn nuôi trong tỉnh áp dụng đầy đủ phương pháp an toàn sinh học, giúp nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
Thành Nam
Nguồn: Báo Hà Nam