Tính đến đầu tháng 10/2021, huyện Quản Bạ có gần 18.000 con bò, tăng trên 1.400 con so với cùng kỳ năm trước. Việc phát triển đàn bò Vàng theo hướng hàng hóa đã góp phần đưa ngành Chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện cửa ngõ phía Bắc.
Thời gian trước đây, việcchăn nuôi bò Vàng ở huyện vẫn theo cách truyền thống, quy mô nhỏ lẻ chưa xứng tầm với tiềm năng; diện tích cỏ trồng ít, chưa chủ động nguồn thức ăn xanh thô cho bò, phụ thuộc nhiều vào chăn thả tự nhiên… Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức người dân còn hạn chế; điều kiện kinh tế thiếu thốn; địa hình chia cắt bởi đồi núi dốc gây khó khăn cho trồng, thâm canh cỏ chăn nuôi thành vùng tập trung dẫn đến tốc độ tăng trưởng đàn bò có thời điểm chững lại. Để khắc phục những khó khăn trên, đưa thương hiệu sản phẩm bò Vàng ra ngoài thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao nhận thức của người dân, dần chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tổ chức tốt khâu chọn con giống, phương thức chăn nuôi, nâng cao chất lượng vật nuôi, chú trọng thị trường tiêu thụ; vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang trồng cỏ gắn nuôi bò; tạo liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm; chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho vật nuôi…
Chị Vàng Thị Chúa, Thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ chăm sóc đàn bò. Ảnh: Hoàng Tuyến
Anh Đặng Phúc Tài, thôn Tân Tiến, xã Quyết Tiến, tâm sự: Gia đình tôi có truyền thống nuôi bò từ lâu, nhưng chủ yếu là chăn thả tự nhiên nên bò chậm lớn; vào mùa Đông rét đậm, rét hại bò hay bị chết do chuồng nuôi không đảm bảo. Những năm gần đây, được sự tư vấn của cán bộ xã, huyện về cách chăn nuôi, gia đình tôi xây dựng chuồng trại kiên cố; áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo; chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang trồng cỏ nên gia đình tôi đã có thu nhập khá từ nuôi bò.
Xác định phát triển chăn nuôi bò theo hướng gia trại, trang trại là nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì vậy, huyện triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của T.Ư, tỉnh về hỗ trợ chăn nuôi; áp dụng hình thức chăn nuôi an toàn sinh học; tổ chức cho người dân tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao… Do đó ngành Chăn nuôi của huyện có những kết quả đáng khích lệ: Tổng đàn bò tăng theo từng năm; tầm vóc, chất lượng đàn bò được cải thiện; thu hồi vốn vay nuôi bò theo Nghị quyết 209 được 35.060 triệu đồng/461 hộ vay (tổng số vốn vay 35.360/461 hộ); thu hồi vốn xây dựng chuồng trại được 7.451 triệu đồng/93 hộ (tổng số vốn vay 7.571 triệu đồng/98 hộ).
Đến thăm mô hình nuôi bò của chị Vàng Thị Chúa, thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ, chị cho biết: Đầu năm 2021, được tư vấn của cán bộ và nhận 5 triệu đồng hỗ trợ từ Đề án cải tạo vườn tạp, gia đình tôi xây hệ thống chuồng khoảng 120 m2; mua 5 con bò sinh sản về nuôi. Để đàn bò phát triển, sinh trưởng tốt, ngoài thức ăn thô tôi bổ sung thêm một số loại thức ăn có chứa tinh bột; tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ; chủ động phòng rét cho đàn bò vào mùa Đông và đến nay gia đình tôi đã có 9 con bò…
Đồng chí Hoàng Đình Phới, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, cho biết: Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng đàn bò hàng năm đạt trên 5%; mỗi hộ chăn nuôi có tối thiểu từ 3 con bò trở lên; đến năm 2025, tổng đàn bò đạt trên 23.306 con, huyện định hướng xây dựng quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi hàng hóa gắn với trồng và thâm canh cỏ làm thức ăn chăn nuôi, xác định 2 vùng chăn nuôi tập trung đó là cụm xã Cán Tỷ, Lùng Tám, Đông Hà và cụm xã Thanh Vân, Nghĩa Thuận, Tùng Vài. Mỗi vùng có quy mô diện tích cỏ từ 700 ha trở lên, mỗi hộ chăn nuôi với quy mô từ 7 con trở lên, các xã còn lại phát triển chăn nuôi với quy mô nông hộ, gắn với trồng cỏ quanh nhà, nương hốc đá đảm bảo đủ nguồn thức ăn đáp ứng nhu cầu chăn nuôi từ 2 – 3 con/hộ.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về giống, lợi ích khi thực hiện biện pháp thụ tinh nhân tạo, giảm thiểu tối đa tình trạng giao phối cận huyết. Hàng năm, xây dựng phương án quản lý và phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò, trong đó thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm; tăng cường kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động đội ngũ cán bộ thú y từ huyện đến cơ sở…
Từ kết quả đạt được, với mục tiêu, định hướng trong thời gian tới, huyện Quản Bạ đã và đang đưa ngành Chăn nuôi nói chung và nuôi bò Vàng nói riêng đi đúng quỹ đạo mà mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Nguồn: Báo Hà Giang