Trong những ngày này, các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện vùng cao như Mèo Vạc, Quản Bạ đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng từ huyện đến các địa phương, thôn, bản triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm (GSGC) nhằm hạn chế thiệt hại mức thấp nhất cho vật nuôi.
Tại huyện Mèo Vạc, hiện có tổng đàn GSGC trên 71.000 con, trong đó: Đàn trâu trên 4.100 con; đàn bò trên 25.500 con; đàn lợn gần 26.200 con; đàn dê gần 16.000 con; đàn ngựa gần 200 con; đàn gia cầm trên 270 nghìn con.
Người dân huyện Mèo Vạc chủ động che chắn chuồng trại cho gia súc trước đợt không khí lạnh tăng cường. Ảnh: H.Tuyến
Bể ủ chua thức ăn của gia đình anh Ma Dầu Toàn, thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân (Quản Bạ). Ảnh: H.Yến
Để kiện toàn công tác phòng, chống rét và dịch bệnh cho GSGC năm 2016 – 2017, Phòng NN & PTNN, Trạm khuyến nông, Trạm thú y huyện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc tốt diện tích cỏ đang trồng có thể thu hoạch cỏ thường xuyên, số cỏ thu về không sử dụng hết được chế biến, bảo quản bằng cách ủ chua, phơi khô để dự trữ cho gia súc trong những ngày giá rét. Đối với các xã có diện tích lúa mùa, ngay sau khi thu hoạch xong hướng dẫn nhân dân tận dụng nguồn rơm đưa vào bảo quản, dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa Đông.
Ngoài ra, người dân tận dụng các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, các loại phụ phẩm của nông nghiệp (cây ngô, cây đậu.. ) chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc bằng phương pháp ủ chua, ủ xanh. Chủ động dự trữ một lượng thức ăn tinh bột bổ sung ( cám gạo, bột ngô, bột sắn..), đủ cung cấp cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại với định mức khoảng 0,3 – 0,5 kg thức ăn tinh bột/con. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc người dân sử dụng các vật liệu như: Bao tải, bạt, phên tre, cỏ khô… che chắn chuồng trại trong mùa rét, nền chuồng trại phải được giữ vệ sinh, thường xuyên khô ráo không để nước đọng. Thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại để tránh phát sinh dịch bệnh. Tổ chức rà soát, thống kê các hộ trăn nuôi có GSGC nhưng chưa có chuồng trại hoặc có chuồng trại nhưng không đảm bảo hay còn tạm bợ thì xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ che chắn chuồng trại cho gia súc đảm bảo đủ ấm trong những ngày giá rét.
Anh Phàn Chí Chiêm, người dân thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Trà tâm sự: Ngay khi vào mùa Đông gia đình anh đã được các cơ quan chính quyền địa phương xuống tận nhà hướng dẫn cách dự trữ thức ăn, cách che chắn chuồng trại tránh cho GSGC bị rét. Hiện nay gia đình anh đã dự trữ đầy đủ thức ăn cũng như che chắn chuồng xong.
Đồng chí Lí Xuân Rắng, Trưởng phòng NN & PTNN huyện Mèo Vạc cho biết: Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ và thống nhất của nhiều cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, chỉ dẫn cho người dân nên các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho GSGC trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, qua đó sẽ hạn chế thấp nhất khả năng thiệt hại.
Huyện Quản Bạ, hiện có tổng đàn trên 21 nghìn con trâu, bò. Anh Phạm Hải Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, cho biết: “Điểm mới trong công tác phòng, chống đói, rét cho trâu, bò năm nay của huyện là việc áp dụng mô hình ủ chua thức ăn, điều này giúp duy trì thức ăn và giúp phòng bệnh về đường hô hấp, đường tiêu chảy cho trâu, bò…”. Bên cạnh đó, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thông qua hình thức tập huấn, họp thôn, phát tờ rơi, huy động người dân thực hiện che bạt chuồng trại, hỗ trợ mỗi hộ 1,6 triệu đồng để xây bể ủ chua. Lựa chọn 2 xã Thanh Vân và Tùng Vài làm điểm cho công tác thu hoạch, chế biến, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc.
Đến xã Thanh Vân, một trong những mô hình điểm trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, theo đồng chí Giàng Mí Mua, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Về cơ bản người dân đã thực hiện xong công tác che chắn và dự trữ thức ăn cho đàn gia súc ngay từ đầu vụ rét như: Che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, may áo rét cho trâu, bò mặc trong những ngày giá rét, làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại không để nền chuồng ẩm ướt…”. Ngoài ra, xã đã tích cực tuyên truyền với người dân về lợi ích của việc ủ chua thức ăn, điều này sẽ giúp kích thích ăn uống cho trâu, bò bởi trong quá trình ủ chua thức ăn đã được lên men và được ủ cùng với muối, làm tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, tránh bị bệnh. Do trước đây, vào mùa Đông người dân thường cho trâu, bò ăn cỏ xanh, nhưng khi thời tiết lạnh, cỏ bị đóng băng và dính sương, trâu, bò ăn vào rất dễ mắc bệnh. Vì vậy đây được cho là một giải pháp tối ưu của huyện trong công tác phòng, chống đói, rét cho trâu, bò trong năm nay.
Là một hộ có đàn bò khá lớn, với 8 con bò sinh sản, được sự hỗ trợ và tuyên truyền của xã, huyện gia đình anh Ma Dầu Toàn, thôn Mỏ Sài, Thanh Vân đã bắt đầu mua bạt về che chắn chuồng bò, và đã hoàn thành bể ủ chua với 15 khối, đủ cung cấp thức ăn cho đàn gia súc đến hết vụ Đông. Tương tự như gia đình anh, gia đình anh Ma Văn Thành để thực hiện tốt chăm sóc đàn bò vụ Đông, anh đã bỏ ra 50 triệu đồng để xây chuồng kiên cố, có mái tôn và có khả năng chứa hơn 12 con bò.
Từ việc chuẩn bị tốt những phương án nhằm ứng phó với mùa Đông năm 2016 của các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, sẽ làm giảm triệt để tình trạng GSGC bị chết rét và làm giảm thiệt hại cho các hộ dân.