Giống heo cỏ Quảng Nam

(Người Chăn Nuôi) – Cũng giống như heo Móng Cái (Quảng Ninh), heo Bản (Sơn La), heo Hương (Cao Bằng)… giống heo cỏ (hay còn gọi là heo kiềng sắt) có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình, xã hội của đồng bào miền núi Quảng Nam, một trong những nguồn gen động vật bản địa của địa phương để cho ra sản phẩm thịt mang tính đặc hữu.

Nhiều ưu điểm

Những năm qua, Việt Nam đã nhập nội một số giống heo ngoại nhằm cải thiện năng suất chăn nuôi heo như Landrace, Yorkshire, Duroc… Tuy nhiên những giống heo ngoại không thể thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng so với giống heo bản địa về những ưu điểm: Thịt ngọt ngon, có hương vị, chắc và khả năng chống chịu bệnh tật tốt… Mặt khác, trong những năm gần đây, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, hiệu quả sản xuất thấp, vì vậy giống heo cỏ Quảng Nam trở thành ưu việt hơn so với giống heo ngoại nhờ sức đề kháng cao, khảng năng chống chịu với dịch bệnh tốt. Với những lý do đó các giống heo bản địa đang được đầu tư phát triển do chúng có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và người chăn nuôi trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Giống heo cỏ thường có tầm vóc nhỏ nhưng mang những đặc điểm di truyền quý giá. Đó là khả năng sử dụng các loại thức ăn thô nghèo dinh dưỡng, khả năng chống chịu các bệnh nhiệt đới, nhất là bệnh ký sinh trùng. Một số giống có khả năng đẻ nhiều con, phẩm chất thịt tốt, thơm, ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Mặt khác, chúng thích nghi với các vùng núi cao và nhiệt độ tương đối thấp và một số cá thể quen chịu với môi trường ẩm ướt…

Ở một số vùng núi, giống heo cỏ không những phù hợp với điều kiện, phương thức chăn nuôi mà còn gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc, chẳng hạn như là vật thách cưới của các dân tộc Hre, Kor hay đơn giản là mâm cỗ cúng gia tiên rất cần có giống heo này bởi khối lượng phù hợp, nguồn gốc hình thành và tồn tại ở địa phương lâu đời…

heo cỏ quảng nam

Heo cỏ có da màu sẫm, lông thưa, mõm dài nhọn – Ảnh: CTV

Tuy nhiên, sự suy giảm quần đàn khiến heo cỏ ở vùng núi Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việc du nhập các giống ngoại có năng suất cao và giống lai tạo, nhu cầu thị trường hiện tượng giao phối cận huyết… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

 

Bảo tồn và phát triển

Nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào bảo tồn, phát triển giống heo cỏ địa phương, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đã xây dựng mô hình nuôi heo. Tham gia mô hình có 4 hộ ở xã Tam Trà, huyện Núi Thành. Mỗi hộ nuôi 10 heo cỏ nái, 1 heo cỏ đực, vừa áp dụng chuồng trại bán kiên cố, nuôi thả rông và cho ăn tự do, lẫn nuôi bán thả rông và cho ăn theo khẩu phần. Kỹ thuật nuôi và khẩu phần hàng ngày được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình.

Ông Châu Văn Viện, hộ tham gia mô hình chia sẻ, bên cạnh hướng dẫn cách chăm sóc đàn heo cỏ, các hộ được chỉ dẫn chế biến khẩu phần thức ăn phối trộn gồm đậu tương rang nghiền, bột bắp nghiền, cám gạo, bột xương và một số khoáng chất khác, đều là nguyên liệu dễ kiếm, rất gần với thức ăn tự nhiên. Heo phát triển tốt, tỷ lệ sinh sản khá ổn định.

Từ thực tế đề tài, đàn heo cỏ ở 2 hộ nuôi với hình thức nuôi có xây dựng chuồng trại kiên cố, bổ sung thức ăn tinh phối trộn theo khẩu phần, hiệu quả sinh sản của đàn nái đem lại cao hơn so với đàn heo cỏ ở 2 hộ nuôi với hình thức nuôi xây dựng chuồng trại tạm bợ, cho ăn thức ăn tự do, không theo khẩu phần. Đề tài về cơ bản đã bảo tồn được giống heo cỏ địa phương miền núi huyện Núi Thành. Điểm khác biệt là heo cỏ bảo tồn thuộc đề tài có màu lông nhạt hơn, tầm vóc to hơn heo cỏ lai tạo, tạp giao ở địa phương. Tuy nhiên, heo cỏ bảo tồn vẫn giữ được những đặc tính di truyền tốt như chất lượng thịt ngon, sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường sống, mắn đẻ, nuôi con khéo, tạp ăn.

Kỹ sư Bùi Văn Gát, Trưởng phòng NN&PTNT, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, bước đầu đề tài đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi. Đối với heo cỏ giống đã chọn lọc, đề tài đã giữ được con giống heo cỏ để lai tạo phối giống, cung cấp heo cỏ thịt và heo cỏ giống cho các hộ dân trong vùng và các địa phương khác. Hiện nay, giá heo giống bán ra dao động 200.000 – 250.000 đồng/kg hơi đối với heo cái, 400.000 – 450.000 đồng/kg hơi đối với heo cỏ giống đực. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch nên thịt heo cỏ bán khá chạy.

>> Ông Bùi Văn Gát, Trưởng phòng NN&PTNT, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Qua 3 năm triển khai, nhóm thực hiện đề tài đã tạo ra được mô hình chăn nuôi heo cỏ theo phương thức chăn nuôi mới có đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống của người dân miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc Cor thông qua phát triển tiềm năng thế mạnh địa hình vùng núi. Đồng thời giúp bảo tồn và lưu giữ được nguồn gen heo cỏ thông qua việc lai tạo thuần chủng, giữ lại con giống thuần”.

Ngọc Diệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *