Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi – Gà Tàu ‘tung hoành’, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ở đâu?

Mặc dù Thủ tướng chỉ đạo, Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị nhưng gà, vịt nhập lậu vẫn tung hoành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh ở đâu?

Gà Tàu nhập lậu

Từng đoàn xe máy xé toang màn đêm, đưa gà Tàu nhập lậu từ bãi trung chuyển ra tận TP Lạng Sơn, hoàn toàn vô hiệu hóa nhiều lực lượng chức năng.

300.000 đồng đến 500.000 đồng là số tiền mà Hoàng Thắng (tên nhân vật đã được thay đổi) nhận được cho mỗi chuyến chở gà lậu từ kho hàng ra điểm trung chuyển về xuôi, nơi có xe tải chờ sẵn.

gà Tàu nhập lậu

Dân buôn lậu dễ dàng qua mặt các chốt như thế này nhờ bố trí nhiều đối tượng theo dõi. Ảnh: PV.

Kho hàng cũng được thay đổi liên tục. Có thể là một căn nhà mà chủ không ở tại bản Thín, bản Diểng, Nà Căng, Quân Phát, những bản làng nằm sát biên giới Việt – Trung, gần cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn.

gà Tàu Lạng Sơn

Đầu nậu buôn lậu gia cầm giống từ Trung Quốc chọn ngôi nhà ở bản Thín, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) cách cửa khẩu Chi Ma vài km và không có người ở để tập kết gà, vịt giống nhập lậu. Ảnh: PV.

0h ngày 27/9, Thắng cùng một nhóm người vào nhận hàng tại bản Thín. Tại đây, gà con nhập lậu từ Trung Quốc đã được nhốt sẵn trong lồng nhựa màu đen. Mỗi người sẽ nhận 3 lồng, khoảng 300 con gà. Từ bản Thín, gà lậu được chở vòng vèo qua nhiều con đường, vô hiệu hóa lực lượng chức năng, mang ra chùa Bắc Nga, thuộc thôn Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, nằm trên trục đường 4B (Lạng Sơn – Lộc Bình) và bên dòng sông Kỳ Cùng (đoạn xã Gia Cát), cách thành phố Lạng Sơn 12km về hướng đông nam.

“Có mấy điểm nhận hàng, tùy theo việc các “thầy” lập chốt ở đâu mà dân buôn sẽ tìm cách lách để giao nhận hàng”, Thắng nói.

gà Tàu Lạng Sơn

Nhóm chở gà, vịt giống nhập lậu của Thắng sử dụng xe máy để vận chuyển hàng từ vùng biên về xuôi trong đêm để tránh né lực lượng chức năng. Ảnh: PV.

Ngoài chùa Bắc Nga, còn có điểm trung chuyển khác ở bãi cát sỏi, xã Yên Khoái, huyện Cao Lộc. Một điểm nữa nằm ở bãi tha ma xã Yên Khoái. Những điểm này, đều nằm trên trục đường chính từ cửa khẩu Chi Ma ra trung tâm huyện Lộc Bình.

Từng đoàn xe máy xé toang màn đêm, đưa gà lậu ra điểm nhận hàng ở chùa Bắc Nga. Nếu có sự xuất hiện của lực lượng chức năng, nhóm của Thắng sẽ được báo trước. Từ đường chính, đoàn xe máy lập tức ngoặt hướng sang những con đường mòn.

Đường mòn ở quanh Chi Ma rất nhiều, có xa có gần, có dễ đi, có khó đi. Đó cũng có thể là suối bản Thín, nơi nổi tiếng là cung đường buôn lậu từ những năm 90 thế kỷ trước. Thời ấy, đường sá chưa đẹp như bây giờ, dân buôn lậu khi gặp con nước to, còn phải chia nhóm, vác xe máy lên vai vượt suối.

Gánh gà lậu vượt biên

Để có hàng cho nhóm của Thắng, một nhóm khác phụ trách gánh gà từ hàng rào biên giới Việt – Trung về bản Thín, tiền công tương đương. Thắng bảo tuy có hàng rào, nhưng lưới B40 thì đủ để nhét từng con gà con qua. Tuy thế, đó chỉ là cách mà dân tay ngang, làm ăn nhỏ, thực hiện.

Nhóm PV Báo Nông nghiệp Việt Nam từng cùng Thắng đi dọc nhiều đoạn hàng rào biên giới, qua các ngả đường mòn mà dân buôn lậu dùng từ xưa đến nay. Cách mỗi đoạn hàng rào, thường sẽ có một cửa sắt, mà phía Trung Quốc dùng làm nơi ra vào gia cố, sửa chữa.

Vào một khung giờ nhất định, cửa được mở ra, gà lậu sẽ từ đó ùn ùn qua biên, nơi đội cửu vạn gánh hàng chờ sẵn. “Phải canh giờ mà các “thầy” bên kia mở cửa. Trong khung giờ đó phải đưa bằng hết hàng sang, ngoài khung giờ bị bắt thì phải chấp nhận”, Thắng kể.

Những điều này hoàn toàn phù hợp với lời của P. “Long Đầu” khoe với nhóm PV về năng lực đưa hàng lậu qua biên. P. “Long Đầu” cũng từng cho chúng tôi xem một clip ngắn, về cảnh dân buôn lậu bên kia biên giới ra đến cửa sắt hàng rào, song không qua được vì có lực lượng biên phòng Việt Nam chốt chặn.

“Mấy “thầy” canh thì bọn em cũng canh lại. Từ hàng rào biên giới cho đến đường mòn, đường cái, có người của em hết. 500.000 đồng tiền công mỗi ca, từ 4 đến 7 tiếng. Hôm nào hàng lọt nhanh thì về sớm, không thì phải canh đến lúc hàng đi thì thôi”, P. nói.

Trong tay P. là nhiều nhóm cửu vạn, nhiều nhóm chạy xe máy chở hàng. Thứ tự giao hàng sẽ luân phiên giữa các nhóm. Tùy thuộc cung đường, kho hàng. Giữa các nhóm cũng không biết nhau, bởi P. tính toán rất kỹ. Đội cửu vạn tập kết xong hết hàng, rút đi, thì các đội như của Thắng mới tới lấy hàng.

“Bao” luật?

Chi Ma đang là điểm nóng về hàng “tươi” đông lạnh, hàng tạm nhập tái xuất và hàng gia cầm giống. Các cửa khẩu khác của tỉnh Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam chủ yếu là hàng khô. Đó là khẳng định từ rất nhiều đầu mối thông tin mà chúng tôi dày công tìm hiểu. Chi Ma cũng là cửa khẩu duy nhất ở khu vực Lạng Sơn được các đối tượng “chọn” làm điểm nhập lậu con giống gia cầm, trong đó chủ yếu là gà giống (gà chíp).

Qua vài ngày lê la ở vùng biên, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được “đội cửu đồi” – nhóm vận chuyển thuê hàng bên kia Trung Quốc về. “Cửu đồi” là tiếng lóng chỉ những người bốc vác hàng lậu trái phép, đi đường bộ, xé đồi về Việt Nam. Còn “gà Tàu” là gà giống Trung Quốc vài ngày tuổi, gồm rất nhiều loại gà giống như Phượng hoàng, K7, K8, K9, chíp Tàu…

gà Tàu Lạng Sơn

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trải nghiệm một trong những cung đường gà giống lậu tại vùng biên (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: PV.

Một người vác hàng ra giá: Gà giống gánh qua biên giới được tính giá theo con, 1 – 2 ngàn đồng/con. Số lượng lớn (vài ba vạn con trở lên) thì mới nhận, còn vài ngàn con không đủ để nhận hàng. H. là một trong số những người dân bản địa, làm nhiệm vụ gánh hàng qua biên về nơi tập kết, sau đó, một nhóm khác sẽ trung chuyển bằng xe máy ra khỏi huyện Lộc Bình để đưa lên xe tải 2,5 tấn tiếp tục di chuyển đến nơi tiêu thụ.

H. nói: Hành trình gánh gà không cố định, có khi gánh 2km, có khi 3km, vì nhận hàng ở nhiều mốc chứ không phải một mốc cố định. Trong đó, các mốc hay lấy hàng là mốc 27, 29. 2 cây cũng có, 3 cây cũng có. Nhiều mốc mà chứ có phải riêng một mốc đâu. Lấy hàng nhiều những mốc kia mới mở cửa được. Quan trọng là mình phải mở được mới được.

2 đêm liên tiếp vừa qua (26 – 27/9), nhóm của H. mỗi đêm vận chuyển 3 vạn gà chíp giống về Việt Nam. Địa điểm giao nhận là chùa Bắc Nga, H. cho biết thêm: “Có tối đi được, có tối không đi được. Biên phòng làm căng, không đi được đường này thì tìm đường khác… Phí gánh gà qua đồi không tính bằng cân (kilogam) mà tính con. 1 – 2 nghìn đồng/con. Bọn em bao ra khỏi trạm biên phòng ngoài kia rồi bọn anh khắc lấy”.

Nhóm của H. chỉ nhận các thương vụ từ vạn con gia cầm giống trở lên và sẽ trực tiếp nhận hàng từ rào Trung Quốc sang đến Việt Nam, chuyển qua chốt Biên phòng Chi Ma. Lúc đó, việc vận chuyển đi các tỉnh sẽ không còn là trở ngại lớn.

Khi chúng tôi hỏi, dọc đường bị bắt thì sao? H. khẳng định: “Dọc đường không sợ đâu. Cứ ra khỏi chỗ kia (trạm chốt biên phòng cửa khẩu Chi Ma – PV) là không làm nữa đâu”.

– Như một đêm em đi bao nhiêu con? (PV)

– Nếu mà thông thì tầm hai ba vạn. (H. nói)

– Hai, ba vạn một đêm?

– Ừ.

– Qua nay lấy về có nhiều không?

– Có mà. Hai ba tối nay vẫn đi mà.

– Hôm qua mấy vạn?

– 3 vạn.

– Nhưng bọn em bao được chứ hả? (PV)

– Bao được. Bao đến Chi Ma hoặc bao đến Long Đầu. Bao đến Long Đầu, chỗ bãi sỏi ấy. Cứ để bãi sỏi ấy, ô tô về đóng. Qua khỏi Chi Ma thì không lo đâu. Hôm nào mà khó thì chuyển sang mốc khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ở đâu?

Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh, thành phố biên giới chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

gà Tàu Lạng Sơn

Tại Công điện số 426/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các tỉnh, thành phố biên giới chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Ảnh: PV.

Tiếp đó, ngày 18/9, Bộ NN-PTNT có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đề nghị địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 426/CĐ-TTg của Thủ tướng ngày 18/5/2023. Công văn nêu rõ việc Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin phản ánh về trình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp tại các địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang,…

Đính kèm các phóng sự điều tra giống gia cầm lậu trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT khẳng định vấn nạn nêu trong loạt bài chính là nguyên nhân dẫn đến các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ra dịch bệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Vậy, khi tình trạng nhập lậu, vận chuyển con giống gia cầm vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhất là tại khu vực quanh cửa khẩu Chi Ma, thì trách nhiệm của ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ở đâu?

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *