(Người Chăn Nuôi) – Trước tình trạng lạm dụng, sử dụng tràn lan chất cấm, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp, ngày 31/5/2016, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06 về danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN gia súc, gia cầm, với mục đích kích thích tăng trưởng tại Việt Nam. Ngày 4/4/2017, Bộ tiếp tục ban hành Nghị định số 39 về quản lý TĂCN, thủy sản.
Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh do Sở NN&PTNT làm đầu mối phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Sulbutamol trên địa bàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh TĂCN, thuốc thú y. Trong đó, đặc biệt lưu ý các cơ sở gia công TĂCN, tự phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung; kiểm tra TĂCN nhất là là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với heo thịt và bò thịt đối với các cơ sở, trang trại chăn nuôi. Đối với các lò mổ, cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại heo, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ. Tại các chợ, kiểm tra các mẫu thịt gan, thận của heo và bò thịt.
Bộ cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó, là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của một số Bộ: NN&PTNT, Công thương, Y tế; chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, quản lý nguồn nhập khẩu chất cấm, xử lý tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền để hộ chăn nuôi và người tiêu dùng chủ động phát hiện, tố cáo các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “An toàn thực phẩm là một nội dung rất quan trọng, được sự quan tâm của cả xã hội và cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có một bước cố gắng lớn và đã đạt được kết quả nhất định. Đặc biệt, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2017/QH14 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 thì Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động trong đó yêu cầu tất cả các địa phương, các ngành, đặc biệt có 3 ngành y tế, công thương và nông nghiệp; cũng như các thành phần kinh tế và toàn xã hội tích cực vào cuộc. Nhờ vậy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, để đảm bảo an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn là một vấn đề lớn và khó, đòi hỏi phải cố gắng tiếp tục hơn nữa. Do đó, vấn đề này 3 ngành y tế, nông nghiệp và công thương sẽ phải cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.