(Người Chăn Nuôi) – Xu thế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi những năm gần đây vẫn chưa hạ nhiệt. Người chăn nuôi kỳ vọng năm 2022, Nhà nước sẽ có nhiều chính sách giúp người nông dân chiếm lĩnh thị phần trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Càng kêu… càng nhập mạnh?
Chúng tôi nhớ cách đây vài năm các doanh nghiệp và người nuôi gia cầm đã có cuộc họp để cùng nhau kêu cứu việc gà ngoại nhập ồ ạt làm điêu đứng thị trường trong nước. Rồi năm ngoái, các doanh nghiệp, trang trại lại tiếp tục có những kiến nghị về chính sách thuế, về việc hạn chế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Rất nhiều ý kiến, nhiều đề xuất đã được các cấp các ngành quan tâm và xem xét, thực hiện. Song về cơ bản, nhập khẩu sản phẩm ngành chăn nuôi vẫn tăng mạnh.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm đầu năm 2021, có khoảng 350.000 con heo sống được nhập khẩu từ Thái Lan về giết mổ, tăng trên 50% so cùng kỳ. Ngoài ra, gần 332.000 tấn thịt heo các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tăng gần 3 lần so cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp, người chăn nuôi đề xuất kiểm soát chặt nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi – Ảnh: FP
Ðiều nan giải đó là dịch bệnh COVID-19 khiến tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi gián đoạn, ảnh hưởng do giãn cách xã hội, các nhà máy, trường học ngừng hoạt động tập trung, các chợ truyền thống tại nhiều thành phố lớn đóng cửa. Có nhiều thời điểm gà đến ngày xuất chuồng mà không có ai mua, thịt heo giá cao, nhưng lại không thể vận chuyển vào thành phố tiêu thụ, do chợ đầu mối đóng cửa. Trong bối cảnh đó, rất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đã tranh thủ quảng bá các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu với giá cả hợp lý và được cấp đông, có thể vận chuyển, bảo quản dễ dàng. Chính vì vậy, sản phẩm nhập khẩu vẫn tiêu thụ tốt và có xu thế chiếm lĩnh thị trường. Tính toán của các nhà phân tích cho thấy, thịt bò từ Australia đã chiếm 50% thị phần tại Việt Nam với số lượng lên tới 25.000 tấn trong 10 tháng đầu năm 2021.
Ngành chăn nuôi trong nước đang kéo theo số lượng lớn các hộ nông dân trên toàn quốc tham gia nuôi và cung ứng sản phẩm với 2 triệu hộ nuôi heo, 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò và 7 triệu hộ nuôi gia cầm. Việc 2 năm gần đây, nhập khẩu thịt heo tăng hơn 400%, thịt gia cầm tăng 15% và thịt bò tăng 44% đã ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục triệu hộ gia đình.
Giữ vững định hướng chiến lược
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1520/2020/QÐ-TTg ngày 6/10/2021, vẫn khẳng định ngành chăn nuôi phải đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, đồng thời gia tăng xuất khẩu.
“Các cơ quan quản lý cần có thêm các biện pháp để hạn chế lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù tham gia hội nhập khiến các hàng rào thuế quan không thể hạn chế được lượng nhập khẩu nhưng thay vào đó chúng ta có các hàng rào kỹ thuật để giải quyết vấn đề này. Giải pháp về hàng rào kỹ thuật đó là có thể cấm nhập khẩu các mặt hàng chứa một số chất mà Việt Nam không sử dụng trong chăn nuôi hoặc đưa ra thời hạn sử dụng cho thực phẩm nhập khẩu”. Ông Nguyễn Văn Bách Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thuốc thú y Amavet |
Tuy nhiên, việc liên tục mấy năm qua, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng phi mã khiến cho nhiều hộ, trang trại lo ngại trong việc đầu tư vào ngành chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng. Tình hình được dự báo sẽ còn khó khăn hơn, khi các dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi được giảm thiểu khi thực hiện các hiệp định thương mại.
Về mặt lý thuyết, nhập khẩu có thể giúp khách hàng trong nước tiếp cận được sản phẩm giá rẻ hơn, đảm bảo quyền lợi của người mua trong xu thế thị trường toàn cầu hóa. Song rất nhiều người tiêu dùng và các chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua người tiêu dùng không được hưởng lợi nhiều từ chính sách nhập khẩu. Ðơn cử như thịt heo nhập khẩu về tăng 400% so năm 2019, nhưng giá thịt heo trong nước nhiều thời điểm vẫn rất cao.
Về phía người nuôi, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu nên chi phí đầu vào tăng mạnh. Giá thức ăn chăn nuôi tăng 16 – 36%, nhưng nhiều thời điểm tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn và giá bán thấp hơn giá thành chăn nuôi.
Năm 2021, ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân khoảng 5 – 6%. Sản lượng thịt các loại khoảng 6,2 triệu tấn; trong đó, thịt heo đạt khoảng 3,82 triệu tấn, tăng 6,1%; Thịt gia cầm khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 5,8%; Thịt gia súc ăn cỏ đạt khoảng 0,68 triệu tấn, tăng 6%; Sản lượng trứng khoảng 16 tỷ quả, tăng 7,5%. Nhưng với khó khăn trong khâu tiêu thụ do giãn cách xã hội vì COVID-19, lại cộng thêm việc nhập khẩu tăng mạnh, việc giá cả ngành chăn nuôi trong nước giảm, lợi nhuận ngành chăn nuôi giảm là điều dễ hiểu.
Bài toán đặt ra là trong năm 2022 và những năm tới, nếu kịch bản vẫn tiếp diễn với việc sản phẩm chăn nuôi trong nước tiếp tục tăng mạnh, nhưng việc nhập khẩu sản phẩm thịt tiếp tục tăng phi mã thì thiệt hại sẽ tiếp tục thuộc về người chăn nuôi trong nước.
Kiến nghị giảm thuế
Ðược biết, trước những khó khăn của người nuôi gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi đã và đang kiến nghị xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; Giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; Giảm tiền thuê đất của năm 2021 – 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ðịnh hướng xuất khẩu cũng là một trong những hướng đi khả quan. Việc “mở cửa” nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi vốn đã được quy định trong các hiệp định thương mại tự do. Nên việc áp dụng các chính sách thuế hay bảo hộ là rất khó khăn. Các chuyên gia cho rằng đã “tham gia” cuộc chơi lớn trên quy mô thế giới thì ngành chăn nuôi Việt Nam chỉ có thể bảo vệ mình bằng việc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm độc đáo có lợi thế vào các thị trường khác để cân bằng cán cân xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp và người nuôi trong nước cũng phải “tự bảo vệ” mình bằng việc đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu cũng như thu nhập của người tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế khó khăn vì đại dịch. Các trang trại và doanh nghiệp cần đầu tư cho sản phẩm gà đông lạnh hút chân không, vốn đang là thị phần chính của các sản phẩm nhập khẩu. Việc cung ứng các sản phẩm chăn nuôi đông lạnh có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo giấy tờ kiểm định, hạn sử dụng… với giá cả phải chăng sẽ giúp ngành chăn nuôi trong nước dần lấy lại thị phần trên thị trường tại các thành phố lớn trong năm 2022.
Mục tiêu lớn cho xuất khẩu chăn nuôi
Nhằm chấm dứt tình trạng cung – cầu luôn biến động bất ổn và giá bán các sản phẩm chăn nuôi liên tục trồi sụt thất thường, Việt Nam đặt mục tiêu đưa tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi qua chế biến lên khoảng 60% và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi để đạt giá trị vượt 1 tỷ USD… Ðó là định hướng của ngành chăn nuôi được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức Tiến đặt ra tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 9 với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi”, được tổ chức trực tuyến ngày 30/10.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu. Giải quyết tình trạng cung vượt cầu khiến giá heo và gà xuất chuồng xuống dưới giá thành hiện nay, cần phải thúc đẩy chế biến và xuất khẩu thịt.
Ðồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, ngành chăn nuôi đã có những khởi sắc trong xuất khẩu. Cụ thể là sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thịt gà chế biến lúc trước mới xuất khẩu sang Nhật Bản, nay đã xuất sang được 7 nước, gồm cả một số nước châu Âu.
“Việt Nam trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ USD vào chuỗi các sản phẩm chăn nuôi và đã đi vào hoạt động. Ví dụ Công ty C.P. đã hoạt động dây chuyền giết mổ 250 triệu USD, sắp tới đây nếu đoàn chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để thẩm định được điều kiện xuất khẩu, thì chắc chắn lượng xuất khẩu sẽ rất lớn”, ông Long chia sẻ
Tuy nhiên, ông Long cho rằng, muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải giải quyết được vấn đề dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 15,31 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 60,12 triệu USD. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 14 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với 2,99 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 5,14 triệu USD.
Phương Khang
Nguyễn Anh