CRISPR, kỷ nguyên mới cho ngành gia cầm?

(Người Chăn Nuôi) – Kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR có thể cách mạng hóa ngành chăn nuôi gia cầm trong tương lai nhờ cải thiện năng suất, khả năng chống lại dịch bệnh và phúc lợi động vật tốt hơn. Tuy nhiên, công nghệ này hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi và đòi hỏi sự chấp nhận của người tiêu dùng.

Kỷ nguyên mới

CRISPR cho phép những nhà nghiên cứu vận chuyển tạm thời những đoạn DNA mạch đôi vào bộ gen của tế bào hoặc những mô hình sinh vật tại vị trí của những gen được chọn. Trong những chuỗi đứt gãy nhân tạo đó, họ có thể chèn hoặc cắt bỏ những gen và thay đổi đặc điểm di truyền được mã hóa theo ý họ muốn. Hiện, công nghệ này đã có những ứng dụng hiệu quả từ y tế cho đến nông nghiệp như cây trồng, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong chăn nuôi, nhiều cuộc nghiên cứu về chỉnh sửa gen hiện đang áp dụng cho khả năng kháng bệnh, năng suất và chất lượng, phúc lợi và xác định giới tính.

Ước tính có khoảng 6 tỷ con gà trống sẽ bị giết mỗi năm, ngay từ khi mới nở trong các trang trại nuôi gà mái đẻ. Ðó là bởi gà trống không cho lợi nhuận cao, lại chiếm mất không gian chuồng trại, thức ăn và thời gian nuôi. Vì vậy, các trang trại đã chọn cách tiêu hủy chúng ngay từ khi mới sinh. Họ trả lương rất cao, lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng cho những công nhân chỉ làm nhiệm vụ soi lỗ huyệt gà, tìm ra những con trống và giết chúng.

kỹ thuật chỉnh gen Crispr

Công nghệ CRISPR hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, mới đây, trong một nghiên cứu mang tính đột phá, nhóm các nhà di truyền học phân tử tại Viện Francis Crick, Anh đã sử dụng kỹ thuật CRISPR để tạo ra những con chuột chỉ đẻ con một bề hay toàn con đực hoặc toàn con cái với tỷ lệ chính xác 100%. Bởi gen mà CRISPR nhắm tới cũng có mặt trên các loài động vật khác, do đó, nghiên cứu này được hy vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong chăn nuôi nhờ vào khả năng có thể ngăn chặn việc tiêu hủy hàng loạt con đực không mong muốn vì chúng gây tốn kém chi phí sản xuất hoặc không năng suất. Ở đó, sẽ có những trang trại mà gà mái đẻ chỉ đẻ gà mái, heo nái không sinh heo đực và bò sữa chỉ đẻ ra bò sữa.

Hiện, Chính phủ Anh đang xem xét để tiến tới cấp phép việc chỉnh sửa gen được sử dụng cho ngành chăn nuôi trong nước.

 

Những rào cản

Mặc dù những tiến bộ gần đây trong kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR đã giúp gia cầm kháng được bệnh bạch cầu và cúm gia cầm. Tuy nhiên, ở gia cầm yêu cầu một cách tiếp cận chỉnh sửa gen hơi khác so các vật nuôi khác. Ðối với động vật có vú, một kỹ thuật được gọi là chuyển nhân tế bào soma (SCNT) được sử dụng và nó yêu cầu phải tiếp cận với phôi đang phát triển. Nhưng ở gà, đó rõ ràng là một câu chuyện khác vì trứng gà ngay khi vừa được đẻ ra phôi đã bắt đầu phát triển ở noãn hoàng và chứa khoảng 50.000 – 60.000 tế bào. Thay vào đó, quy trình được sử dụng cho các loài gia cầm là thực hiện các chỉnh sửa di truyền đối với tế bào mầm nguyên thủy, cơ quan sinh sản và tế bào trứng ở gà.

Hơn nữa, cũng như nhiều công nghệ chỉnh sửa gen khác, sử dụng CRISPR để chọn lọc giới tính động vật sẽ phải đối mặt một vài rào cản trước khi có thể được thương mại hóa. Ðó là sự chấp nhận của thị trường với các sản phẩm biến đổi gen. Các hãng gia cầm cũng chưa chắc chắn liệu người tiêu dùng có chấp nhận các sản phẩm gia cầm chỉnh sửa gen hay không.

Tuy nhiên, những người am hiểu về chỉnh sửa gen lại ủng hộ công nghệ này. Bởi việc chỉnh sửa gen có thể cải thiện phúc lợi động vật, vì nó sẽ ngăn chặn việc giết hại hàng triệu gà con không mong muốn ở Anh mỗi năm. Và vấn đề phúc lợi động vật này được xem là điều kiện quan trọng về sự nới lỏng của các luật lệ cho phép chỉnh sửa gen trên động vật trang trại.

Việc sử dụng công nghệ trong chăn nuôi với bất kỳ mục đích nào cũng cần có các cuộc trao đổi và tranh luận rộng rãi, bởi nó có thể thay đổi cả luật pháp. Về mặt khoa học, chỉnh sửa gen trên gia cầm cần có thêm nhiều nghiên cứu được thực hiện trong những năm tới. Trước tiên là phát triển các bộ công cụ chỉnh sửa gen cụ thể cho các giống loài khác nhau, sau đó để kiểm tra xem chúng có an toàn và hiệu quả hay không?

         Diệu Châu

            (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *