(Người Chăn Nuôi) – Ðể đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực gia cầm, phát huy tối đa giá trị kinh tế của ngành hàng này, đã có nhiều chính sách trong phát triển gia cầm, nhất là trong tình hình mới.
Chỉ đạo mới từ Thứ trưởng
Ngày 17/5/2023, Bộ NN&PTNT ra Thông báo số 3133/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến tại Hội nghị Ðánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.
Thông báo nêu rõ: Những năm qua, chăn nuôi gia cầm nước ta đã đạt sự tăng trưởng khá cao, đáp ứng đủ nhu cầu sản phẩm gia cầm trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ðến nay, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch thịt gà chế biến sang Nhật Bản (2017) và đàm phán thành công với một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Hồng Kông (2019) và 5 nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm nước ta vẫn tồn tại một số bất cập và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ðể phát triển chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới, Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến đã chỉ đạo: Cục Chăn nuôi phối hợp các đơn vị trong Bộ, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi xây dựng ngành hàng gia cầm theo các chuỗi liên kết giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm trong liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Rà soát, đánh giá lại các cơ sở sản xuất giống gia cầm; chú trọng chọn giống, lai tạo theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng; tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống bảo đảm chất lượng với giá thành phù hợp; chọn tạo các bộ giống mới, các giống đặc hữu có lợi thế của địa phương và có sức cạnh tranh với các giống tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Chăn nuôi gia cầm giữ vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Ảnh: Healthline
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho gia cầm bằng việc sử dụng hợp lý trong khẩu phần thức ăn và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu nhà máy sản xuất các chất vi lượng (Premix – Vitamin) tại Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, góp phần giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến giá thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung trong nước, nguồn nhập khẩu và diễn biến tình hình dịch bệnh để có kế hoạch tái đàn phù hợp; đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi nhằm khuyến cáo định hướng sản xuất phù hợp, hạn chế sự mất cân đối cung – cầu sản phẩm gia cầm, đảm bảo lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng…
Cục Thú y phối hợp với Cục Chăn nuôi; Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường; Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam: Kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ, kênh phân phối đối với mặt hàng thực phẩm, bảo đảm lợi ích hài hòa của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; tham mưu cho Bộ xây dựng Chương trình trung hạn và dài hạn xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực về gia cầm (thịt gà chế biến, trứng gà/vịt, trứng chim cút qua chế biến, lông vũ, con giống…); đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt, trứng gia cầm chế biến và con giống; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm sống, sản phẩm gia cầm qua biên giới, nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát, giảm áp lực lên thị trường trong nước, kiểm soát an toàn thực phẩm và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cùng đó, các doanh nghiệp và người chăn nuôi đoàn kết, phối hợp cùng nhau chia sẻ thuận lợi, khó khăn nhằm vượt qua những thách thức trước mắt cũng như phát triển bền vững ngành hàng gia cầm trong giai đoạn tới…
Ðảm bảo an toàn vật nuôi
Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 426/CÐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam; tập trung xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới để thúc đẩy xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm để xử lý, không để dịch bệnh lây lan.
Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam; kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường…
Phạm Thu